Thứ sáu,  20/09/2024

Lưu giữ, bảo tồn loại hình hát lượn: Trăn trở của người “nghệ sỹ” già

(LSO) – Hát lượn là loại hình dân ca truyền thống của người Tày trên địa bàn tỉnh. Loại hình này rất được phổ biến ở những thập niên 60 của thế kỷ trước. Nhưng trong những năm gần đây, hát lượn đang có nguy cơ bị mai một.

Để tìm hiểu kỹ hơn về loại hình hát lượn, chúng tôi được Hội Bảo tồn dân ca tỉnh giới thiệu đến gặp cụ Đặng Xuân Ấm ở thôn Liên Hòa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Ở tuổi 90, cụ Ấm được xem là một trong những người cuối cùng trong vùng hiểu và biết nhiều về những bài hát lượn.

Cụ Ấm tâm sự: Ngày xưa, các phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển như bây giờ nên mỗi đêm trăng sáng, mọi người trong làng thường hẹn nhau ra những bãi đất rộng hoặc qua nhà nhau để hát lượn. Nhưng bây giờ mọi người không còn đam mê với hát lượn nữa, thậm chí nhiều người còn không biết đến nó.

Cụ Đặng Xuân Ấm kể về hát lượn của người Tày

Theo cụ Ấm, hiện nay, ở xã Gia Cát và một số xã lân cận, số lượng người biết hát lượn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những người đó đa phần cũng đã trên 60 tuổi, vì thế cụ lo rằng vài chục năm nữa ở đây sẽ chẳng còn ai biết đến hát lượn.

Trước đây, mỗi dịp cưới hỏi hay vào nhà mới của bà con đồng bào dân tộc Tày, bên cạnh mâm lễ thì trai gái 2 nhà sẽ chia thành từng tốp đối đáp nhau, gọi là một cuộc lượn. Đề tài về cuộc lượn rất phong phú như: lượn về mùa màng; về cảnh vật; về những tình huống đang diễn ra xung quanh… Theo như cụ Đặng Xuân Ấm cho biết, hát lượn có thể chia thành 3 loại chính: lượn cọi, lượn slương và lượn nàng hai. Trong đó, lượn slương phổ biến ở Lạng Sơn hơn cả nên còn được gọi là “lượn lạng”; lượn slương có thể chia làm 3 phần: “lượn sử”, “lượn chúc mừng” và “lượn đi đường”.

Những năm trước đây, cụ Đặng Xuân Ấm đã cùng người  dân trong xã tổ chức các buổi giao lưu hát lượn với những xã lân cận, nhờ vậy mà mọi người biết đến cụ và thường đặt cho cụ cái danh “nghệ sỹ”. Những người đến gặp cụ để học hát lượn đều được cụ nhiệt tình truyền dạy, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân. Tuy vậy, theo cụ Ấm, để học được hát lượn cần bắt nguồn từ đam mê thực sự của bản thân, muốn phát huy được tinh túy hát lượn cũng cần có chất giọng phù hợp cũng như sự sáng tạo của riêng mình.

Nói về sự sáng tạo trong hát lượn, cụ Ấm kể: “Trước đây đa phần các bài lượn được sử dụng thường là lấy từ sách cũ ghi chép lại; nhận thấy nhiều bài lượn đôi khi không phù hợp với hoàn cảnh cuộc lượn, nên tôi cũng như nhiều người khác đã sáng tác rất những bài hát lượn mới. Trong cuộc lượn cũng vậy, nếu người hát không đối đáp linh hoạt thì sẽ khó lòng lôi cuốn người nghe”.

Hiện nay, hát lượn đang có nguy cơ bị mai một. Các dòng nhạc hiện đại đã trở nên phổ biến hơn cả, thị hiếu của người nghe cũng thay đổi rất nhiều, vì vậy mà thế hệ trẻ không còn mặn mà với hát lượn. Hầu hết những người còn biết về hát lượn cũng không còn đủ sức khỏe để truyền dạy lại cho các thế hệ sau này.

Nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày trên quê hương mình, trong những năm qua, cụ Đặng Xuân Ấm vẫn luôn cố gắng truyền dạy hát lượn cho con cháu. Bản thân cụ ghi chép lại những bài hát lượn truyền thống, những bài hát lượn do cụ sáng tác và sưu tầm qua cuốn sổ của mình với hy vọng hát lượn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Mặc dù vậy, cụ luôn trăn trở rằng một ngày nào đó mình sẽ không còn có đủ sức khỏe, tỉnh táo để kể câu chuyện về hát lượn cho thế hệ sau…

Như một sự đền đáp xứng đáng với mong mỏi của những người nghệ sỹ tâm huyết giống như cụ Đặng Xuân Ấm, trong những năm qua, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đã được thành lập. Với mong muốn bảo tồn vốn di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, hội đã đề xuất nhiều giải pháp và phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức các cuộc liên hoan hát then đàn tính, hát sli, hát lượn và tổ chức sưu tầm các làn điệu dân ca khác; triển khai các trương trình truyền dạy và hát dân ca trong Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, một số trường THCS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hội đã phát triển được gần 1.000 hội viên yêu thích các làn điệu dân ca, sinh hoạt tại 50 câu lạc bộ. Đó chính là những hạt nhân để lưu giữ và bảo tồn các loại hình dân ca nói chung và hát lượn nói riêng trên địa bàn tỉnh.

GIA KHÁNH