Thứ sáu,  20/09/2024

Thành phố Lạng Sơn: Cần quan tâm bảo tồn các di tích khảo cổ

(LSO) – Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có 28 điểm, khu di tích,  trong đó, 13 khu, điểm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, di tích khảo cổ học gồm 2 di chỉ là Mai Pha và Phai Vệ đã được công nhận. Thực trạng đáng buồn là hiện nay 2 điểm di tích này chưa được quan tâm đầu tư để phát huy giá trị vốn có.

Di tích khảo cổ học Mai Pha nằm ở lưng chừng núi Phja Nùm có độ cao 10 m, thuộc xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, tổng diện tích 13.523,2 m2, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 – 5.000 năm. Di tích này được thám sát và công bố vào năm 1925. Đây là di chỉ khảo cổ mang đặc trưng thời kỳ hậu đá mới – sơ kỳ kim khí, tiêu biểu cho văn hóa Mai Pha.

Biển thông tin tại di tích khảo cổ học Mai Pha bị che khuất

Di tích khảo cổ học Phai Vệ có tổng diện tích 20.564,6 m2, nằm trên địa phận đường Phai Vệ, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, có độ cao trung bình khoảng 5 m, chia thành 2 hang, được phát hiện khai quật vào các năm: 1906, 1966, 1988. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã thu thập được nhiều hóa thạch động, thực vật, công cụ đá gốm. Di tích Phai Vệ đặc trưng cho thời kỳ cổ sinh có niên đại trên 10.000 năm, nằm trong giai đoạn thời kỳ đá cũ kéo dài từ cuối văn hóa Bắc Sơn đến đầu văn hóa Mai Pha. Hai di tích khảo cổ học này đều đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996 và năm 2004.

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Khảo cổ học có vai trò quan trọng đối với việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa của Lạng Sơn. Thông qua những di vật được tìm thấy, chúng ta có thể biết và hình dung về cuộc sống của tổ tiên ta ở thời nguyên thủy, từ đó nhận thức được giá trị lịch sử của vùng đất và con người Xứ Lạng”.

Giá trị là vậy, tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, hiện nay, cả 2 di tích khảo cổ Mai Pha và Phai Vệ đều bị xâm lấn nghiêm trọng.  Tại di tích Phai Vệ, do hợp đồng thuê đất của Liên đoàn Quần vợt và Công ty Cổ phần Thiên Trường trong quá trình xây dựng và mở rộng mặt bằng đã làm mất các mốc giới khoanh vùng di tích, vượt quá mốc giới bảo vệ di tích là 5 m, xâm lấn khu vực bảo vệ I của di tích 30 m2. Tại di tích Mai Pha, lối vào di tích chưa được xây dựng bởi lẽ còn có nhiều vướng mắc ở khâu đo đạc đất đai; bảng biển chỉ dẫn đã bị cây cối che khuất, xung quanh di tích, người dân canh tác  lúa và hoa màu sát chân di tích, gây mất cảnh quan.

Chị Chu Thị Hồng, trú tại thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, sinh sống gần di tích khảo cổ học Mai Pha bày tỏ: “Tôi rất tự hào khi trên quê hương mình có di tích quan trọng này. Tuy nhiên, hiện di tích đang bị xâm lấn. Bản thân tôi và bà con ở đây rất mong nhà nước quan tâm đầu tư tôn tạo để di tích phát huy được giá trị và được nhiều người biết tới hơn”.

Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết:  Di tích khảo cổ Phai Vệ và Mai Pha đang và sẽ là điểm tham quan quan trọng nằm trong phương hướng phát triển du lịch của thành phố. Nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND xã Mai Pha và phường Vĩnh Trại tiến hành làm đường vào di tích Mai Pha; tôn tạo đường vào hang Phai Vệ 2, xây dựng các công trình phụ trợ tạo cảnh quan cho hai điểm di tích trên”.

Trong thời gian tới, để 2 di tích này không bị lãng quên và phát huy giá trị thì rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành chức năng bằng những việc làm cụ thể như khoanh vùng, cắm mốc di tích, xây dựng các công trình phụ trợ tạo cảnh quan phục vụ khách du lịch, tổ chức các cuộc hội thảo đánh thức tiềm năng du lịch khảo cổ học,… Để từ đó, cùng với các điểm di tích khác trên địa bàn thành phố, di tích Phai Vệ và Mai Pha sẽ là những địa chỉ tham quan thường xuyên của du khách khi đến với xứ Lạng.

HOÀNG HIẾU