Thứ sáu,  20/09/2024

Dạy trẻ làm bánh trung thu: Giữ truyền thống cho tương lai

(LSO) – Tết Trung Thu (ngày rằm tháng 8 hằng năm) là ngày được rất nhiều trẻ em mong đợi vì thường được người lớn tặng đồ chơi, đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he … và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Đón Trung thu năm 2019, nhiều trẻ em Lạng Sơn háo hức đi học làm bánh tặng cha mẹ, ông bà. Qua việc học làm bánh trung thu, các em có cơ hội hiểu hơn về văn hoá dân tộc.

Có mặt trong một lớp học làm bánh của chị Vy Lan Hương, ở khu tái định cư Mỹ Sơn, thành phố Lạng Sơn, điều làm tôi ấn tượng là không khí học tập sôi nổi của các em nhỏ nơi đây. Trên khuôn mặt non nớt còn vương chút bột của bé Trần Thái Dương (7 tuổi) là sự háo hức: “Lần đầu tiên con được làm bánh trung thu, con vui lắm. Con sẽ làm bánh hình cá tặng mẹ, cua tặng bố, làm con dê tặng anh trai”.

Chị Vi Mai Hường cùng các bé trong lớp học làm bánh trung thu

Chị Hương cho biết: Chị thường kết hợp dạy làm bánh với việc kể những câu chuyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng … để giúp các bé hiểu hơn về ngày Tết Trung thu của người Việt Nam. “Tết Trung thu là tết của trẻ em, vậy tại sao không để chính các con là người nuôi giữ truyền thống này?”, đó là trăn trở của chị Hương. Từ khi bắt đầu dạy các con làm bánh, tôi thấy cả phụ huynh lẫn học sinh đều quan tâm hơn đến ngày này, khiến cho Trung thu năm nay có nhiều điều mới lạ và ý nghĩa hẳn lên. Lúc cao điểm có đến 20 cháu trong gian bếp nhỏ, tuy mệt nhưng cô và trò đều cảm thấy vui”.

Cùng chung mong muốn cho các bé có một lớp trải nghiệm cuối mùa hè thật ý nghĩa, chị Vi Mai Hường, trú tại ngõ 149 Bến Bắc, thành phố Lạng Sơn bắt đầu dạy trẻ làm bánh trung thu từ đầu tháng 7 âm lịch, mỗi tuần từ 3 đến 4 buổi. Với lịch học dày, nhiều khi chị phải dọn dẹp, vệ sinh bếp luôn tay nhưng chị luôn cảm thấy vui vì mình đang làm một việc có ý nghĩa. Chị Hường tâm sự: “Mỗi lớp có khoảng 10 đến 15 cháu, từ 5 đến 15 tuổi. Gian bếp nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười khi các con được tự tay nhào bột, được sáng tạo hình thù cho chiếc bánh của mình, mang về làm quà cho ông bà, cha mẹ. Khi làm bánh, tôi thường kể thêm những câu chuyện cổ tích, giải thích những nét đẹp văn hoá ngày Tết Trung thu và nhiều ngày lễ khác của Việt Nam. Các con thảo luận rất sôi nổi, nhiều cháu còn về tìm hiểu thêm rồi kể cho các bạn khác trong buổi học tiếp theo”.

Những thành công bước đầu trong việc dạy trẻ làm bánh trung thu đã khiến mô hình lớp học thực hành này được nhiều người biết đến và ủng hộ. Là một phụ huynh đang có con theo học làm bánh tại lớp của cô Hương, chị Nông Thị Luân (38 tuổi), ở khối 10 phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Tôi cho con đi học làm bánh để con có cảm nhận sâu hơn về Tết Trung thu của dân tộc, học được tính kiên nhẫn và sáng tạo, học cách quan tâm tới mọi người. Nhìn nụ cười của con khi làm ra chiếc bánh, khi con mang bánh về tặng cha mẹ và người thân, tôi biết mình đã đúng vì cho con đi học”.

Từ những lớp học bổ ích như của chị Lan Hương và Mai Hường, trong thời gian tới, có lẽ sẽ còn nhiều hơn nữa lớp dạy trẻ làm bánh quy, bánh chưng ngày tết… được mở ra để trẻ em có nhiều cơ hội cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam.

ĐẶNG DŨNG