Thứ sáu,  20/09/2024

Bảo tồn hát sli: Cần lộ trình lâu dài

(LSO) – Sli là làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Ngày 27/8/2019, hát sli của người Nùng tỉnh Lạng Sơn đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2966/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

Theo thống kê của Sở VHTTDL, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 câu lạc bộ, tổ, đội hát sli với gần 1.000 nghệ nhân, trong đó có 3 nghệ nhân ưu tú, được phân bố ở 11 huyện, thành phố của tỉnh, tập trung đông nhất tại huyện Văn Quan. Ông Hoàng Huy Ấm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Từ năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn được thành lập, hát sli ngày càng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân từ tỉnh đến cơ sở. Chúng tôi rất mong muốn người yêu sli tìm đến với hội bảo tồn ngày một đông hơn.

Các nghệ nhân dân tộc Nùng hát sli giao duyên tại hội Háng Pỉnh (thành phố Lạng Sơn) năm 2018

Sli trong tiếng Nùng nghĩa là “thơ”, hát sli là hình thức hát giao duyên thể hiện qua các câu thơ, được biểu diễn dưới dạng đối đáp các cặp nam nữ. Thông thường sli có 3 lối hát cơ bản là hát nói (đọc thơ); xướng sli (ngâm thơ) và dằm sli hoặc nhằm sli (lên giọng hát). Ở Lạng Sơn hiện nay có bốn ngành Nùng chính, trong đó, Nùng Cháo có sli Slình Làng, Nùng Phàn Slình có sli Sloong Hau, Nùng Inh có Sli Inh, Nùng An có hát Hèo.

Sở VHTTDL là cơ quan đầu mối trong việc bảo tồn hát sli trên địa bàn tỉnh thường xuyên tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, khai thác các tư liệu về hát sli dân tộc Nùng. Ngoài ra, sở phối hợp với Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đưa hát sli trình diễn tại lễ hội, các hội thi, hội diễn, các hội nghị như: Hội Kỳ Cùng – Tả phủ, hội Háng Pỉnh (hội bánh nướng 12/8 âm lịch),… Sắp tới, tại chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”, Sở VHTTDL sẽ tổ chức vinh danh và đón bằng công nhận hát sli là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nghệ nhân ưu tú Mai Ven, dân tộc Nùng Cháo, ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, người nhiều năm gắn bó với hát sli chia sẻ: Tôi cho rằng việc bảo tồn hát sli là việc làm cần thiết của các cấp quản lý nhà nước. Theo tôi, muốn bảo tồn và phát huy hát sli tốt hơn nữa thì trước hết cần phổ cập rộng rãi ngôn ngữ dân tộc Nùng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ bởi lẽ hồn cốt của sli là tiếng dân tộc, nếu không biết nói biết nghe thì không bao giờ biết hát sli.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy loại hình hát sli hiện nay chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra và gặp một số khó khăn như: số lượng người biết, am hiểu, thực hành hát sli ngày càng hạn chế, công tác truyền dạy hát sli còn gặp nhiều khó khăn,… Vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn hát sli hiện nay là làm sao khôi phục được nguyên trạng không gian diễn xướng truyền thống của hát sli mà không bị sai lệch.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Sau khi hát sli được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo tồn hát sli, trong đó tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp truyền dạy hát sli, xem xét cơ chế đãi ngộ hợp lý để hỗ trợ và khuyến khích các nghệ nhân, câu lạc bộ hát sli tại cơ sở, phối hợp với Hội Bảo tồn dân ca tiếp tục đưa hát sli về các chợ phiên truyền thống tại các huyện. Trong kế hoạch giai đoạn 2020 – 2021, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng đề án trình UBND tỉnh để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa giá trị của loại hình dân ca đặc sắc này.

HOÀNG HIẾU