Thứ sáu,  20/09/2024

Lộc Bình: Phát huy giá trị di tích

(LSO) – Thời gian qua, để bảo tồn, quản lý và phát huy tốt giá trị các di tích, UBND huyện Lộc Bình đã và đang triển khai nhiều kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di tích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh và phát triển du lịch trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 21 điểm, di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có: 1 điểm di tích được xếp hạng quốc gia, 8 khu, điểm di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Công tác quản lý các di tích trên địa bàn huyện luôn có sự quan tâm của các ban, ngành, cấp ủy và chính quyền huyện. Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê lại các tài sản trong di tích theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, tăng cường trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá theo đúng quy định.

Du khách công đức tại đình Vằng Khắc, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình

Nhờ đó, trong 5 năm trở lại đây, một số di tích trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, tôn tạo như: đình Vằng Khắc, xã Vân Mộng; đền Khánh Sơn, thị trấn Lộc Bình; chùa Bản Chu, xã Khuất Xá… Ước tổng kinh phí cho công tác tôn tạo các di tích trên từ nguồn ngân sách và xã hội hóa hơn 3 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2019, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về việc khoanh vùng, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Theo đó, đã có 4/5 di tích được khoanh vùng, bảo vệ gồm: di tích Điểm cao 424 xã Yên Khoái; khu nhà cổ (biệt phủ) Vi Văn Định; giếng Bản Chu, xã Khuất Xá; đình Vằng Khắc, xã Vân Mộng, nâng tổng số di tích được khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên 9/21 di tích.

Ngoài ra, công tác lập hồ sơ khoa học các di tích trình UBND tỉnh xếp hạng được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Năm 2019, UBND huyện Lộc Bình đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng với 2 di tích: khu lưu niệm dòng họ Vi, xã Khuất Xá và di tích điểm cao chốt 424, xã Yên Khoái.

Để có được những kết quả đó, công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân về Luật Di sản văn hóa và công tác bảo vệ, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn được huyện hết sức chú trọng, bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền bằng văn bản chỉ đạo, tuyên truyền miệng; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền thông qua các dịp lễ hội…

Từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã tổ chức được 68 cuộc tuyên truyền với trên 1.500 lượt người nghe, xem. Hằng năm, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi trải nghiệm chăm sóc một số điểm di tích trên địa bàn huyện. Thông qua đó, nâng cao nhận thức của học sinh về việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích, lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện.

Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng và triển khai các kế hoạch, dự án, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích như: xây dựng phương án cụ thể và thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích đền Khánh Sơn, thị trấn Lộc Bình; đình Vằng Khắc, xã Vân Mộng; tham mưu cho UBND huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Lộc Bình giai đoạn 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với việc phát huy giá trị đối với các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện…

TUYẾT MAI