Thứ năm,  19/09/2024

Phát huy giá trị độc đáo bức phù điêu: Phật A Di Đà tại chùa Tam Thanh

(LSO) – Chùa Tam Thanh là một trong những di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng của Xứ Lạng. Trong chùa hiện đang lưu giữ bức phù điêu Phật A Di  Đà mang nhiều giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Để lưu giữ cho các thế hệ mai sau, thời gian qua, UBND thành phố đã và đang có nhiều động thái tích cực góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của hiện vật quý giá này.

Đến thăm quan chùa Tam Thanh, ngoài sự choáng ngợp bởi không gian độc đáo, linh thiêng thì du khách còn được thu hút bởi một bức phù điêu Phật A Di Đà. Hiện nay, bức phù điêu đang được thờ trong cung Cấm ngay sau ban Tam Bảo. Không gian của đá cùng với ánh đèn đã tạo cho bức phù điêu càng thêm linh thiêng, huyền ảo. Chị Đào Thị Thúy, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, khách tham quan di tích chùa Tam Thanh chia sẻ: Ngôi chùa này rất đẹp, linh thiêng và nổi tiếng, năm nào tôi cũng cùng người thân lên đây lễ. Chùa có bức phù điêu Phật A Di Đà rất độc đáo, tôi chưa thấy có ở đâu…

Nhân viên của khu di tích Nhị – Tam Thanh dọn dẹp, vệ sinh ban thờ tại cung A Di Đà, chùa Tam Thanh

Thạc sỹ Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn, người nhiều năm tâm huyết nghiên cứu về di tích, lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo cho biết: Bức phù điêu A Di Đà ở chùa Tam Thanh rất có giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật tạo hình, với nhiều nét tạo tác từ bố cục đến các đường nét nhất là khuôn mặt mang phong cách tượng Phật thời Lê trung hưng thế kỷ XVII – XVIII. Bức phù điêu này là điểm nhấn độc đáo riêng có của khu di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc.

Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của bức phù điêu Phật A Di Đà tại chùa Tam Thanh, thời gian qua, UBND thành phố đã có nhiều giải pháp, việc làm thiết thực. Cụ thể, năm 2018, UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án thành phố thực hiện lắp đặt hệ thống 4 đèn chiếu sáng xung quanh bức phù điêu; giao Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố in 10.000 tờ rơi giới thiệu về vẻ đẹp và giá trị của khu danh thắng Nhị – Tam Thanh và bức phù điêu Phật A Di Đà. Năm 2019, UBND thành phố phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc với chủ đề “Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch” trong đó có nội dung nghiên cứu làm rõ phong cách tạc phù điêu A Di Đà tại chùa Tam Thanh. Ngoài ra, hằng năm, UBND thành phố cũng chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thể thao tăng cường quảng bá về di tích nói chung và bức phù điêu Phật A Di Đà nói riêng đến khách du lịch.

Theo các tài liệu lịch sử, bức phù điêu Phật A Di Đà được tạo tác vào khoảng giai đoạn 1677 – 1680, cùng với thời gian trùng tu, tôn tạo chùa Tam Thanh (Thanh Thiền Động) do gia đình Vũ quận công Vi Đức Thắng, tự là Vạn Thọ người xã Khuất Xá, châu Lộc Bình (nay là xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình) hưng công. Bức phù điêu được tạc ở tư thế đứng cao hơn 2 m trên bục nhỏ vuông cao 15 cm, cả tượng và bục đứng được tạc trong một chiếc lá bồ đề dựng đứng cao 2,6m. Phía trên cuống lá bồ đề được nối với một chiếc hồ lô có quai hai bên, thân hồ lô có khắc 4 chữ Hán “A Di Đà Phật”. Phật có gương mặt tròn, đôi tai dài và búi tóc lớn, chiếc cổ cao, vai xuôi. Hai chân đứng thẳng, thân mặc áo cà sa, tay trái nắm lại thành quyền, cầm lấy chéo áo, đặt ở trên rốn, tay phải duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng ra ngoài.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm bổ sung thêm các tư liệu liên quan đến bức phù điêu A Di Đà, từ đó có những kế hoạch bảo tồn được cụ thể hơn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, giá trị của bức phù điêu này đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu cho UBND thành phố có những phương án nâng tầm giá trị của bức phù điêu độc đáo này.

Phật A Di Đà, tên tiếng Phạn là Amita Buddha, dịch nghĩa là Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, là giáo chủ của thế giới Cực Lạc phương Tây. Tại Việt Nam, tượng Phật A Di Đà thường có hai hình thức: tượng ngồi và tượng đứng. Hiện nay, tượng A Di Đà tại các ngôi chùa thường được tạc trong tư thế ngồi, kích thước lớn, thuộc bộ tượng Di Đà tam tôn gồm Bồ tát Quan thế âm – Phật A Di Đà – Bồ tát Đại thế chí, loại hình tượng A Di Đà ở thế đứng rất hiếm gặp và chủ yếu bằng gỗ.
HOÀNG HIẾU