Thứ sáu,  20/09/2024

Lộc Bình gìn giữ trang phục truyền thống trong trường học

(LSO) – Trước nguy cơ trang phục dân tộc truyền thống ngày càng vắng bóng trong đời sống của đồng bào, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình đã và đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực để gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa trang phục truyền thống, trước nhất là trong các trường học.

Ông Đỗ Công Trung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Bình cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, từ đầu năm học 2020 – 2021, phòng đã xây dựng kế hoạch gìn giữ và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống trong các trường học, trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên. Đồng thời, rà soát, lựa chọn 4 xã còn lưu giữ được trang phục truyền thống của dân tộc Nùng, Dao, Sán Chỉ (Thống Nhất, Minh Hiệp, Ái Quốc, Mẫu Sơn) để chỉ đạo xây dựng mô hình điểm tại 8 trường học trên địa bàn với nhiều hoạt động thiết thực như: nghiên cứu khoa học, dạy cắt may trang phục, mặc trang phục dân tộc đồng loạt vào 1 ngày trong tuần.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học và THCS Nhượng Bạn mặc trang phục dân tộc Sán Chỉ vào thứ tư hằng tuần

Theo đó, UBND các xã, các trường học đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là giáo viên, phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc gìn giữ trang phục dân tộc cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống của từng dân tộc thể hiện qua trang phục. Từ đó, giúp thế hệ trẻ thêm yêu quý và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trước tiên là mặc trang phục dân tộc. Từ đầu năm học 2020 – 2021 đến nay, toàn huyện đã tổ chức  được 37 cuộc tuyên truyền với hơn 4.960 lượt người tham gia. Thầy Hoàng Phúc Vượng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Ái Quốc cho biết: Trường có 142 học sinh đều là người dân tộc Dao. Để học sinh thêm yêu và có ý thức gìn giữ trang phục truyền thống, từ đầu năm học 2020 -2021, nhà trường đã tổ chức 5 cuộc tuyên truyền cho 550 lượt phụ huynh, học sinh tham gia; vận động phụ huynh may trang phục dân tộc cho các con mặc đến trường làm đồng phục vào thứ hai đầu tuần và các ngày lễ. Đồng thời, đưa nội dung về trang phục truyền thống vào các tiết học để học sinh hiểu, hứng thú và yêu quý trang phục của dân tộc mình.

Đi đôi với tuyên truyền, ban giám hiệu các trường phát động phong trào may và mặc trang phục dân tộc vào các ngày quy định. Tiêu biểu như: Trường PTDTBT THCS Minh Phát có 157/157 học sinh có trang phục dân tộc và mặc vào thứ ba hằng tuần; Trường Tiểu học Mẫu Sơn có hơn 100 học sinh mặc trang phục dân tộc Dao vào thứ hai hàng tuần…

Em Hoàng Văn Dũng, lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Nhượng Bạn  cho biết: Thứ tư hằng tuần, chúng em được mặc trang phục dân tộc Sán Chỉ đến trường, được tham gia trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, bịt mắt bắt dê… Ngoài các giờ học trên lớp, chúng em còn được nhà trường tổ chức đến gia đình của một số người cao tuổi trong thôn để học cắt, khâu trang phục dân tộc. Em và các bạn thấy rất thích thú, tự hào về trang phục dân tộc mình.

Cùng với đó, ban giám hiệu các trường khuyến khích giáo viên tổ chức cho học sinh nghiên cứu, tìm hiểu về trang phục truyền thống để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp huyện năm học 2020 – 2021, có 9/28 đề tài nghiên cứu về văn hóa trang phục dân tộc. Đặc biệt, đề tài “Cách làm trang phục của người dân tộc Sán Chỉ tại xã Thống Nhất”, “Lưu giữ truyền thống nhuộm áo chàm cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Xuân Dương” đã đạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp huyện.

Mặc dù mới triển khai từ đầu năm học 2020 – 2021 nhưng việc mặc trang phục truyền thống đến trường nhận được sự hưởng ứng của tất cả giáo viên, phụ huynh học sinh. Hiện nay, toàn huyện có 8 trường học với hơn 1.300 giáo viên và học sinh mặc trang phục dân tộc truyền thống hằng tuần. Đây là những thành công bước đầu để cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình tiếp tục nghiên cứu, lưu giữ nét đẹp của trang phục truyền thống cũng như tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng ra các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

“Giáo dục truyền thống, cho học sinh mặc trang phục dân tộc đến trường là một hoạt động ý nghĩa thiết thực để gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà Lộc Bình đã  và đang tổ chức thực hiện, đạt được thành công bước đầu  là điển hình để nhân rộng”.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

MINH NGỌC