Thứ sáu,  20/09/2024

Những người góp phần bảo tồn trang phục dân tộc Nùng

– Cùng với các thành tố văn hóa khác, trang phục là yếu tố văn hóa độc đáo tạo nên bản sắc riêng có của người dân tộc Nùng ở huyện Cao Lộc. Để phát huy những giá trị đặc sắc đó, những người thợ may ở huyện đã và đang từng ngày gắn bó với công việc cắt may quần áo truyền thống của người dân tộc Nùng.

Chị Lộc Thị Bèn, thôn Nà Tèn, xã Hải Yến đã có hơn 20 năm kinh nghiệm may quần áo dân tộc Nùng. Từ lâu, nhà của chị là địa chỉ quen thuộc được nhiều chị em phụ nữ trong thôn, xã và khách hàng ngoài tỉnh đến đặt may trang phục. Chị Bèn cho biết: Trước kia, khách may chủ yếu là các cô gái sắp đi lấy chồng, bây giờ nhu cầu tăng, khách đủ mọi lứa tuổi từ học sinh đến người trưởng thành… Những lúc đông khách, tôi phải thức đêm để làm cho kịp. Mỗi khi nhìn thấy những bộ quần áo dân tộc do mình làm ra được khách hàng yêu thích, sử dụng, tôi rất vui vì bản sắc dân tộc vẫn được lưu giữ.

Thợ may trang phục dân tộc Nùng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cắt may quần áo cho khách hàng

Chị Lộc Thị Bé, thôn Bản Lành, xã Hòa Cư cũng là người thợ gắn bó với công việc may trang phục dân tộc Nùng hơn 5 năm nay. Chia sẻ về công việc này, chị cho biết: Là người dân tộc Nùng, từ nhỏ, tôi được mẹ dạy cách làm trang phục dân tộc. Vài năm gần đây, do nhu cầu của người dân trong thôn, xã tăng cao nên tôi nhận may vừa để phục vụ bà con vừa tăng thu nhập cho gia đình. Điều quan trọng hơn khiến tôi gắn bó với nghề này là vì muốn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc trong trang phục truyền thống của người dân tộc mình.

Chị Bèn, chị Bé chỉ là 2 trong số khoảng 20 người đang duy trì công việc cắt may quần áo truyền thống ở huyện Cao Lộc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: những người thợ may trang phục truyền thống đều có niềm đam mê và mong muốn lưu giữ trang phục truyền thống trên địa bàn. Từ nhỏ, họ đã quen với hình ảnh các bà, các mẹ ngồi dệt vải, nhuộm chàm, thêu những chiếc áo hoa văn tinh xảo đậm nét riêng biệt và được dạy cách cắt, khâu và thêu để làm nên bộ quần áo phục vụ cho bản thân và gia đình.

Để làm được bộ trang phục đẹp, người thợ may phải chọn được chất liệu vải đẹp; khéo léo và tỉ mỉ trong quá trình may, thêu các chi tiết. Trước kia, việc làm bộ trang phục dân tộc Nùng hoàn toàn khâu bằng tay thì nay thay thế bằng việc máy may nên rút ngắn thời gian, công sức của người thợ… Hiện nay, trang phục Nùng vẫn được người dân trên địa bàn huyện nhất là ở các xã: Hòa Cư, Hải Yến, Cao Lâu, Gia Cát… mặc nhiều trong các sinh hoạt hằng ngày và các dịp lễ, tết, cưới, hỏi…

Không chỉ góp phần bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Nùng, công việc này còn góp phần đem lại thu nhập ổn định cho gia đình những người thợ may. Được biết hiện nay, quần áo Nùng của nữ có giá từ 200 đến 350 nghìn đồng/bộ tùy theo chất liệu vải may; áo nam có giá từ 400 đến 900 nghìn đồng/chiếc phụ thuộc vào độ tinh xảo của hoa văn thêu trên áo… Trung bình một thợ may làm được 2 bộ quần áo nữ/ngày, áo nam có nhiều chi tiết trang trí hơn nên mất từ 2 đến 3 ngày để hoàn thiện 1 sản phẩm. Trừ mọi chi phí, ước tính người thợ thu nhập trung bình từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng.

Ông Đinh Đức Độ, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Thời gian qua, những người thợ may đã góp phần bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc Nùng trên địa bàn huyện. Tiếp theo, chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền người dân thường xuyên mặc trang phục truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp này. Cùng đó là tuyên truyền, khuyến khích những người thợ may lành nghề luôn gắn bó, lưu giữ công việc này và tích cực hướng dẫn cách may, thêu trang phục dân tộc cho thế hệ trẻ trên địa bàn.

Có thể thấy, bằng sự đam mê, yêu giá trị văn hóa truyền thống, những người thợ may trang phục Nùng trên địa bàn huyện Cao Lộc đã, đang và sẽ tiếp tục cần mẫn gìn giữ công việc may trang phục truyền thống này. Họ thực sự là những người thợ may của bản làng, cùng góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Nùng

LƯƠNG THẢO