Thứ sáu,  20/09/2024

Phụ nữ Cao Lộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Hội viên Chi hội phụ nữ thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc mặc trang phục dân tộc Nùng trong cuộc sống hằng ngày

“Hội LHPN huyện Cao Lộc là đơn vị điển hình trong công tác vận động, tuyên truyền, phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc. Hội đã có cách làm thiết thực gắn với hoạt động hội phụ nữ, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc” – Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá.

Huyện Cao Lộc hiện có 58 di tích kiến trúc nghệ thuật, văn hóa; 32 lễ hội với các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như: múa sư tử, hát sli, hát then, hát Páo dung… Cùng với đó, huyện còn có một số nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm (xã Hòa Cư, Hải Yến), làm cao khô (xã Tân Liên), thêu, may trang phục dân tộc (xã Công Sơn, Mẫu Sơn, Xuất Lễ)…

Bà Hà Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Cao Lộc cho biết: Hiện hội có 24 cơ sở hội và hơn 14.400 hội viên, trong đó có trên 90% hội viên là người dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, Hoa. Những năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện đã tích cực chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về các giá trị văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Bằng các hình thức đa dạng như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, qua mạng xã hội Zalo, Facebook của các cấp hội…  Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp hội lồng ghép tuyên truyền nội dung này được hơn 200 cuộc cho trên 4.000 lượt hội viên.

Điểm nổi bật, từ tháng 4/2021, Hội LHPN huyện đã lựa chọn, xây dựng 3 mô hình điểm “Phát triển kinh tế gắn với tiêu biểu trong công tác hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” tại 3 xã: Hòa Cư, Gia Cát, Hải Yến. Mỗi mô hình có từ 10 đến 20 hộ hội viên, là người dân tộc thiểu số, có mô hình kinh tế ổn định, đồng thời, duy trì tốt các hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: thường xuyên mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày, các dịp quan trọng, duy trì tiếng nói, phong tục tập quán của người Tày, Nùng. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang bản sắc dân tộc, lễ hội truyền thống, phong trào phụ nữ.

Bà Lưu Thị Thơn, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Cư cho biết: Tham gia mô hình, 10 gia đình hội viên phụ nữ tích cực trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, giữ lửa gia đình, đồng thời, duy trì bản sắc dân tộc như: may, mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ, tết, truyền dạy các làn điệu sli, hát lượn của dân tộc cho con em. Mỗi hội viên còn là tuyên truyền viên tích cực vận động chị em tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, xã có 4/10 hộ đang duy trì may trang phục dân tộc, dệt khăn tự sử dụng và bán cho các chị em ở các xã lân cận.

Ngoài ra, hiện toàn huyện có 65 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng thôn, bản hoạt động, trong đó, nòng cốt là hội viên phụ nữ.  Các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng sinh hoạt định kỳ theo tháng hoặc quý, thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn phục vụ các sự kiện tại địa phương. Trong đó, các thành viên đã mang lời ca tiếng hát, làn điệu then cổ, hát sli, páo dung… đến đông đảo Nhân dân và du khách, góp phần bảo tồn, quảng bá nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tiêu biểu trên địa bàn huyện có nghệ nhân Nhân dân Nông Thị Lìm, thị trấn Cao Lộc; nghệ nhân ưu tú Hà Thị Mai Ven, xã Thụy Hùng; Lưu Thị Tần, xã Thạch Đạn…

Bà Hoàng Thị Hà, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Bắc Đông II, thành viên Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã Gia Cát cho biết: Tham gia câu lạc bộ, chúng tôi được giao lưu hát dân ca, làm phong phú đời sống tinh thần. Tôi cũng thường xuyên truyền dạy các con, cháu trong gia đình giữ gìn phong tục tập quán, nét văn hóa, các làn điệu dân ca của dân tộc.

Có thể nói, bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ huyện Cao Lộc đã và đang trở thành nhân tố tích cực giữ gìn, tiếp nối các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Qua đó, góp phần gìn giữ nét văn hóa cổ truyền tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đóng góp quan trọng vào phát triển du lịch của địa phương

DƯƠNG DUYÊN