Thứ tư,  18/09/2024

Cúng vọng – nét đẹp văn hóa của người Tày

– Nhớ về nguồn cội, công ơn sinh thành của cha mẹ là truyền thống lâu đời của người Việt. Mỗi dân tộc, người làm con lại có những cách riêng để thể hiện. Với phụ nữ dân tộc Tày sinh sống tại một số xã, thị trấn ở các huyện Lộc Bình, Đình Lập thì có tục cúng vọng. Đây là lễ cúng cha mẹ đẻ đã mất tại gia đình nhà chồng nhằm thể hiện tấm lòng thơm thảo của người làm con.

Chiều mùng 1 Tết Nguyên đán hằng năm, khi việc hương khói, cúng chay… cho gia đình nhà chồng đã hoàn tất, bà Chu Thị Phiền, khu 4, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập lại chuẩn bị lễ cúng cha mẹ đẻ. Mâm cỗ cúng được bày ra với đầy đủ: xôi, gà, canh măng, giò chả, bánh chưng, rượu, hoa quả, bánh kẹo, vàng mã. Bát gạo đầy được đặt lên mâm, bà thành kính thắp 2 nén hương rồi khấn mời cha mẹ đẻ về thụ lộc. Khoảng thời gian tổ chức lễ cúng khoảng 1 giờ, chừng đó đủ làm bà nguôi đi nỗi nhớ cha mẹ đã mất, thể hiện lòng thành kính của bản thân đối với cha mẹ. Bà Phiền cho biết: Cha mẹ tôi có 3 người con, tất cả đều là con gái. Cha mẹ tôi mất, gia đình cũng có các cháu trong họ thờ phụng nhưng năm nào, tôi cũng làm lễ cúng vọng để tỏ lòng thành kính với cha mẹ của mình.

Người dân thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cử hành lễ cúng vọng

Khác với bà Phiền, gia đình bà Nông Thị Đâu, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình có cả con trai, con gái nhưng sau khi cha mẹ mất, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, bà vẫn tổ chức lễ cúng vọng. Bà chia sẻ: Tôi thường làm những món ăn mà khi còn sống bố mẹ tôi thích. Đó là cách để tôi thể hiện tấm lòng của mình với cha mẹ. Đồng thời cũng giáo dục con cháu trong gia đình biết yêu thương, kính trọng các bậc sinh thành.

Nếu như những dân tộc khác “xuất giá tòng phu”, con gái đã lấy chồng lo việc nhà chồng, thờ cúng tổ tiên nhà chồng, trọng trách thờ cúng cha mẹ thuộc về con trai, thì đối với người dân tộc Tày tại một số xã, thị trấn của các huyện: Đình Lập, Lộc Bình lại có tục con gái cúng vọng bố mẹ đẻ tại gia đình nhà chồng.

Nhớ về nguồn cội là truyền thống của người Việt. Chính vì vậy, mặc dù không có ngày giỗ nhưng người phụ nữ dân tộc Tày ở một số xã, thị trấn của các huyện Lộc Bình, Đình Lập vẫn có cách làm độc đáo để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đẻ. Lễ cúng cha mẹ đẻ được phụ nữ dân tộc Tày cử hành vào một ngày bất kỳ trong dịp Tết Nguyên đán nhưng thường là chiều mùng 1 Tết. Lễ cúng được tổ chức tại nhà chồng nhưng phụ nữ Tày lại tinh tế ở chỗ không đặt mâm cúng trong gian thờ chính mà cử hành trong gian bếp hoặc gian chái nhà vì có suy nghĩ không làm kinh động đến tổ tiên nhà chồng cũng như tạo một không gian riêng, yên tĩnh để nhớ về cha mẹ đã mất của mình.

Đồ lễ cúng vọng không cầu kỳ, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình mà chuẩn bị. Đồ cúng thường có vàng mã, thịt gà hoặc thịt lợn luộc, bánh chưng, rượu, hoa quả… Trên mâm lễ còn có 1 bát gạo đầy để người phụ nữ cắm vào đó 2 nén hương, khấn mời cha mẹ về thụ lộc. Khi hương cháy hết thì vàng mã sẽ được hóa với suy nghĩ để người quá cố mang theo dùng ở thế giới bên kia.

 Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh cho biết: Nhớ về cha mẹ, báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục là nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc có một cách thể hiện khác nhau nhưng đều có ý nghĩa là tưởng nhớ về người đã khuất. Cúng vọng là nét đẹp riêng có của người phụ nữ dân tộc Tày tại một số xã, thị trấn ở các huyện Lộc Bình, Đình Lập. Nó thể hiện tính nhân văn sâu sắc bởi dù sống ở nhà chồng, hương khói cho gia đình nhà chồng nhưng người phụ nữ vẫn không quên chăm sóc cho phần tâm linh của gia đình nhà đẻ. Càng ý nghĩa hơn khi gia đình nhà chồng cho phép, tạo điều kiện cho người con dâu làm lễ cúng ông bà thông gia tại nhà mình.

Trong văn hóa của người Tày nói riêng và người Việt nói chung, việc sinh con trai để có người hương khói, thờ cúng sau khi mất vẫn luôn được coi trọng. Với tục cúng vọng kể trên, các gia đình dù sinh con trai hay con gái, cha mẹ quá cố vẫn được hương khói sau khi mất, do đó cũng góp phần  giảm nhẹ tư tưởng sinh con một bề. Thể hiện lòng thành kính với người đã khuất, chăm sóc cho phần tâm linh như nét đẹp từ lễ cúng vọng cũng chính là một cách làm ý nghĩa để khởi đầu một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.

THÚY VƯƠNG