Thứ năm,  19/09/2024

Hào khí nơi miền biên viễn

Bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, dưới chân ngọn núi Cấm cao sừng sững toạ lạc ngồi đền Bảo Hà uy linh, cổ kính.

Từ bao đời nay, ngôi đền ngôi đền là nơi ghi dấu hào khí thuở xưa gắn với chiến công của danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ bờ cõi đất nước nơi miền biên viễn.

Từ bao đời nay, nơi miền biên viễn xa xôi, người dân khắp mọi miền biết đến tiếng tăm của ngôi đền Bảo Hà linh thiêng, nơi hương hỏa, thờ phụng Thần vệ quốc – tướng Nguyễn Hoàng Bảy – người có công dẹp giặc vùng biên ải.

Đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng, đền thờ danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy – người có công dẹp loạn thổ phỉ, xây dựng và bảo vệ miền biên ải xa xôi của đất nước.

Hào khí nơi miền biên viễn
Đền Bảo Hà, biểu tượng thiêng liêng hào khí và tinh thần yêu nước. 

Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Cấm, xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai) bên dòng sông Hồng hiền hòa, thơ mộng, xung quanh là không gian miền sơn cước sơn thủy hữu tình.

Trong tâm thức của người Việt khu vực Tây Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, ông Hoàng Bảy là một vị tướng được triều đình cử về miền biên ải và có công lao lớn đối với đất nước.

Có tích lại cho rằng, ông Hoàng Bảy là một người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở vùng Tây Bắc xa xôi, ông đã có công tập hợp các thổ ty, tù trưởng gây dựng cuộc sống, tiêu diệt kẻ thù cướp phá, che chở cho nhân dân, được nhân dân đời đời kính trọng.

Lịch sử ghi chép, vùng Bảo Hà xưa kia vốn có một vị trí quan trọng về phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc. Trong thời Cảnh Hưng (1740-1786), giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành, xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn cùng nhiều châu, xã lân cận đã phải xây dựng các thành lũy kiên cố chống giặc.

Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ… Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa.

Sau này quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh.

Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.

Hào khí nơi miền biên viễn
Hào khí Bảo Hà trong chương trình nghệ thuật Lễ hội đền Bảo Hà. 

Theo truyền thuyết và lời kể của một số cao niên ở vùng Bảo Hà còn lưu truyền, có một điều kỳ lạ khi ông Hoàng Bảy bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã.

Từ thi thể ông phát ra ánh hào quang, phi lên thân ngựa, đến khu vực núi Cấm, vùng trung tâm Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này, khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong đền Bảo Hà…

Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần vệ quốc”. Đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần.

Đền Bảo Hà được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia tháng 11-1997. Lễ hội đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày giỗ tướng Hoàng Bảy, ngày 17-7 âm lịch.

Không chỉ có giá trị về ý nghĩa lịch sử, tâm linh, cho đến nay kiến trúc nguyên thủy của đền vẫn được giữ lại gần như toàn bộ, nó thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm nhưng không quá cầu kỳ.

Hai bên cổng là hai câu đối toát lên hào khí thuở xưa: “Hồng hà kim cổ tại” (Sông Hồng có từ xưa đến nay); “Hoàng Bảy đại đại lưu” (tên ông Hoàng Bảy được lưu truyền mãi). Dọc hai bên cổng chính là hai câu đối: “Phật thánh giáng lâm cầu tất ứng/Thần tiên hiển hóa nguyện giai thông” (Dịch là: Mọi người tới của Phật cửa Thánh cầu sẽ được linh ứng/Con người tới đây cầu nguyện sẽ được thông suốt).

Hai cột phía trong Đại bái có hai câu đối viết bằng sơn: “Bảo Hà tối linh thiên niên thịnh/Thập phương bái vọng hương phúc vinh” (Nghĩa là: Đền Bảo Hà linh thiêng, thịnh vượng hàng ngàn năm/Cả mười phương đều bái yết và được hưởng phúc vinh).

Mặt sau của cột Đại bái là câu đối nhằm khuyên răn con người và người tu hành: “Đồng thanh khát vọng tòng tứ phủ/Phật tử sùng tu hướng thuyền môn” (Nghĩa là: Các bà đồng có khát vọng theo tứ phủ/Các tín đồ phật giáo một lòng sùng kính hướng cửa thiền).

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngôi đền Bảo Hà luôn được nhân dân trong vùng bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo và hương hỏa, phụng thờ thần vệ quốc, là nơi đón hàng vạn du khách thập phương về chiêm bái, cầu xin ông ban lộc, ban tài, che chở, phù hộ.

Năm 2016, Lễ hội đền Bảo Hà đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội đền Bảo Hà được tổ chức vào 3 ngày (từ 15 đến 17-7 âm lịch).

Anh Vũ Nguyên, cán bộ xã Bảo Hà (Bảo Yên) chia sẻ: “Đến thăm đền Bảo Hà, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng nơi sơn cước, không gian xung quanh ngôi đền tọa lạc. Phía trước ngôi đền là dòng sông Hồng như con rồng đang cuộn chảy mang dòng phù sa đỏ nặng bồi đắp cho đôi bờ”.

Cây cầu Bảo Hà bắc ngang dòng sông như một cánh cung tuyệt đẹp nối liền đôi bờ giữa Bảo Hà và miền đất Tân An của Văn Bàn, nơi bên này là đền Bảo Hà, phía bên kia là đền Cô Tân An, nơi thờ con gái Ông Hoàng Bảy là Nguyễn Hoàng Bà Xa, người có công cùng cha chiêu dụ thổ ty, tướng giỏi cùng người dân địa phương đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Cảnh sắc xung quanh ngôi đền Bảo Hà trong cảm nhận của du khách là không gian miền biên ải của Tổ quốc, nơi xưa kia diễn ra những cuộc chinh phục thiên nhiên của đồng bào các dân tộc thuở “khai thiên phá thạch”, lập sơn trang, công cuộc đánh đuổi thổ phỉ bảo vệ sự bình yên nơi miền biên giới cùng những câu chuyện về những chiến công của Thần vệ quốc Nguyễn Hoàng Bảy vừa gần gũi vừa linh thiêng.

Thầy giáo Thào A Sơn, giáo viên Trường THPT số 2 Bảo Yên (Lào Cai) chia sẻ: “Đền Bảo Hà có giá trị nhiều mặt. Trước hết là giá trị lịch sử, ngôi đền và danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy là biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đặc biệt là quá trình đấu tranh bảo vệ bờ cõi của đất nước”.

Ngôi đền biểu tượng cho hào khí và tinh thần đoàn kết một lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền biên viễn. Vì thế, ngôi đền có vai trò giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ.

Theo Quandoinhandan