Thứ năm,  19/09/2024

Giáo dục ý nghĩa ngày tết cổ truyền cho học sinh

– Hằng năm, cứ vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm vui xuân nhằm giáo dục đến học sinh về những giá trị tốt đẹp của ngày tết.

Ngày 24/1 (tức 22 tháng Chạp năm Tân Sửu), chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non 8/3, thành phố Lạng Sơn. Tại đây, nhà trường đang tổ chức một số hoạt động giáo dục về ý nghĩa Tết Việt cho học sinh như: cho trẻ trải nghiệm gói bánh chưng, cắt hoa, làm câu đối… Trong các hoạt động đó, giáo viên dạy cho trẻ biết về ý nghĩa ngày tết, nghi lễ ngày tết, về cách ứng xử văn minh khi nhận quà… Cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên Trường Mầm non 8/3 cho biết: Đối với chúng tôi, khi tổ chức các hoạt động giáo dục ý nghĩa tết cổ truyền cho trẻ, hạnh phúc nhất là nhìn thấy những đôi mắt , thích thú của con trẻ. Các con rất háo hức trong từng hoạt động như: tự tay lau lá dong, được học cách gói bánh chưng, chờ bánh chín để mang về biếu ông bà, cha mẹ.

Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) trải nghiệm gói bánh chưng

Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 674 đơn vị trường học với hơn 204.000 học sinh. Không riêng Trường Mầm non 8/3, thành phố Lạng Sơn, những năm học gần đây, vào những ngày cuối năm âm lịch hằng năm, nhiều đơn vị trường học từ bậc mầm non đến THPT đã tổ chức cho học sinh chương trình trải nghiệm với chủ đề Tết cổ truyền dân tộc với nhiều hình thức. Các hoạt động truyền thống được tái hiện như: gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, thi bày mâm ngũ quả, làm hoa mai, hoa đào bằng giấy, tổ chức các trò chơi dân gian, vẽ bông pháo hoa, tái hiện phiên chợ quê ngày tết… được các trường quan tâm tổ chức, cho học sinh tham gia.

Tại huyện Cao Lộc, năm học này, toàn huyện có 62 đơn vị trường học với hơn 17.000 học sinh. Năm nay, 100% trường đều tổ chức các hoạt động liên quan đến giáo dục truyền thống, đặc biệt là tết cổ truyền. Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: Những năm qua, bên cạnh việc giáo dục lý thuyết, các trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục về những nét văn hóa truyền thống, Tết cổ truyền. Năm nay, dù dịch bệnh phức tạp, nhiều đơn vị trường buộc phải cho học sinh nghỉ học nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu 100% các trường vẫn trang trí khuôn viên, lớp học, lồng ghép linh hoạt vào trong các bài giảng… Đặc biệt, đối với bậc học mầm non, ngay từ giữa tháng 12/2021, các trường đã trang trí và hoàn thiện các không gian tết như: phiên chợ quê, các gian hàng ẩm thực Tết Việt… Việc này giúp các em có cơ hội được trải nghiệm, mắt thấy, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hoá truyền thống…

Đối với học sinh thì việc được tham gia những hoạt động có ý nghĩa này giúp các em hiểu biết thêm về  giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc trong những ngày tết cổ truyền, giúp các em có những suy nghĩ, cách làm, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ngày tết.

Em Trương Ánh Nguyệt, học sinh lớp 6A5, Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, em được nhà trường tổ chức tham gia gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy sạp… Hiện tại, lớp em đang phải học trực tuyến tại nhà nhưng các cô vẫn cho chúng em xem video clip, những câu truyện cổ tích như: sự tích bánh chưng, bánh dày, sự tích cây nêu ngày tết, dạy chúng em những câu chúc tết ý nghĩa gửi đến ông bà và những người thân trong gia đình. Qua đó, em biết thêm về những nét đẹp văn hóa trong tết, từ đó, thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp đó.

Việc giáo dục cho học sinh về truyền thống văn hóa ngày tết cổ truyền của dân tộc là một hoạt động ý nghĩa, giúp các em thêm trân trọng, yêu quý văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hằng năm, Sở GD&ĐT yêu cầu, khuyến khích các trường từ bậc mầm non đến THPT linh hoạt lồng ghép việc giáo dục truyền thống, trong đó có việc giáo dục ý nghĩa ngày Tết cổ truyền vào các môn học hay hoạt động ngoại khóa trong nhà trường đến học sinh.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc ở GD&ĐT cho biết: Thực hiện yêu cầu của sở, hằng năm, 100% trường học đều thực hiện tốt hoạt động giáo dục này. Nhiều đơn vị trường cũng đã lựa chọn tổ chức phiên chợ quê ngày tết, tổ chức các trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc… hay tổ chức các chương trình gây quỹ dành tặng những phần quà đến những bạn nhỏ kém may mắn, gia đình khó khăn… giúp các em được trải nghiệm và hiểu hơn về ý nghĩa của các nét đẹp văn hóa ngày tết…

Một mùa xuân mới đang về, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 song việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề Tết Việt vẫn đã và đang được các trường học trong tỉnh triển khai một cách phù hợp, linh hoạt. Thông qua đó, học sinh trong tỉnh có thêm cơ hội được hiểu biết, học hỏi, khám phá để từ đó có ý thức gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị quý báu trong tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

THU HIỀN