Thứ sáu,  20/09/2024

Gia Cát: Sức sống dân ca từ mô hình câu lạc bộ

– Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đã tích cực chỉ đạo và tuyên truyền Nhân dân giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa (DSVH) thông qua việc thành lập các CLB. Hoạt động của các CLB đã thu hút đông đảo thành viên tham gia, góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.

Nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đã ra mắt CLB dân ca thôn Nà Bó. CLB có hơn 40 thành viên, tuổi đời từ 18 đến 40. Chị Chu Thị Triều, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB ra đời đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo bà con trong thôn. Do vậy, các thành viên đều rất nhiệt tình, chịu khó học hỏi, sưu tầm các điệu múa, bài hát dân ca của dân tộc mình.

Các thành viên CLB dân ca thôn Nà Bó, xã Gia Cát học lời bài hát dân ca

Tính cả CLB dân ca thôn Nà Bó, đến nay, xã Gia Cát đã có 6 CLB văn hóa văn nghệ (với hơn 100 thành viên tham gia) bảo tồn các điệu múa, làn điệu dân ca của dân tộc. Trong đó, CLB múa sư tử mèo thôn Hợp Tân, CLB múa sư tử mèo thôn Sơn Hồng, CLB dân vũ thôn Bắc Nga và CLB đàn tính hát then thôn Bắc Đông 2 đã thành lập từ nhiều năm trước và duy trì hoạt động thường xuyên.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Cát cho biết: Toàn xã hiện có trên 1.280 hộ dân, hơn 15.000 nhân khẩu, trong đó, hơn 70% nhân khẩu là người dân tộc Tày, Nùng. Dựa vào đặc điểm, tình hình, thế mạnh của từng thôn, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng tuyên truyền người dân phát huy bản sắc văn hoá của người Tày, Nùng. Đặc biệt, chúng tôi đã chỉ đạo và tạo điều kiện để các thôn thành lập các CLB dân ca, dân vũ, múa sư tử; tạo điều kiện để thành viên trong các CLB tham gia giao lưu, biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh. Đối với lứa tuổi học sinh, UBND xã khuyến khích các nhà trường thành lập các nhóm, CLB dân ca…

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền xã, người dân trên địa bàn đã có ý thức rất cao trong việc duy trì luyện tập và phát triển các CLB. Trong quá trình hoạt động, các CLB đã phối hợp với các nghệ nhân sưu tầm, truyền dạy nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc tới các địa bàn khác trong tỉnh. Đồng thời, thành viên tại các CLB còn là những tuyên truyền viên tích cực cùng với xã tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục dân tộc…

Chị Hà Thị Thơm, người dân tộc Nùng, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ mặc trang phục dân tộc đi chợ, dự đám cưới, lễ hội thì mấy năm gần đây đã thường xuyên mặc trong sinh hoạt và lao động  hằng ngày. Không chỉ bản thân thường xuyên mặc trang phục dân tộc, tôi còn tự may và khuyến khích cả gia đình cùng mặc.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên của các CLB trong xã còn tham gia biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng tại nhiều sự kiện lớn ở trong và ngoài tỉnh. Cụ thể như: tham gia biểu diễn tại Chương trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc năm 2019; Lễ hội hoa Đào lần I, II, III của tỉnh và biểu diễn giao lưu tại các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Nội, Đà Nẵng… Từ năm 2018 đến nay, các CLB của xã đã thực hiện trên 200 cuộc biểu diễn, giao lưu ở trong và ngoài tỉnh.

Với những giải pháp thiết thực trong  bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân trên địa bàn. Năm 2021, toàn xã Gia Cát có 89% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá (tăng 2% so với năm 2020), 10/10 thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hoá.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã Gia Cát và sự đồng lòng của Nhân dân, tin rằng những nét đẹp trong DSVH các dân tộc Tày, Nùng sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát huy, góp phần làm giàu thêm kho tàng DSVH của Xứ Lạng.

“Hiệu quả hoạt động của các CLB giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn xã Gia Cát không chỉ thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại xã mà còn đóng góp tích cực vào việc nghiên cứu, sưu tầm, phát huy các DSVH đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra địa bàn huyện”.

Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc 

TUYẾT MAI