Chất lượng văn hóa đọc chưa cao

Khái niệm về văn hóa đọc hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất. Song có thể hiểu xây dựng văn hóa đọc là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội tạo ra các giá trị về ứng xử đọc, hứng thú đọc, kỹ năng đọc một cách thường xuyên, liên tục.

Hiện nay, văn hóa đọc đã có những điều kiện cần thiết để phát triển. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đọc ngày càng được kiện toàn, như: Luật Thư viện, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành, Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa với tầm nhìn đến năm 2030…

Phát triển văn hóa đọc thực chất
 Học sinh khiếm thính được Thư viện tỉnh Đồng Tháp phục vụ đọc sách. Ảnh: KIM DUNG.

Nguồn tài liệu sách, báo hiện nay đa dạng, phong phú với 816 cơ quan báo chí, mỗi ngày sản xuất hàng vạn sản phẩm báo chí. Ngành xuất bản đã nộp lưu chiểu là 32.948 xuất bản phẩm dưới dạng sách in, số bản sách làm ra là 400 triệu. Đây là những số liệu năm 2021 khi cả nước chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, hứa hẹn sẽ có tăng trưởng sau khi xã hội trở lại nhịp sống bình thường.

Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chưa có nhiều điều kiện sử dụng internet, thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ việc đọc, theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện có hàng nghìn tủ sách cơ sở, hệ thống thư viện công cộng tổ chức luân chuyển vốn tài liệu, phần nào đáp ứng nhu cầu của người dân.

Dù đã có những điều kiện thuận lợi nhưng Việt Nam chưa phải là quốc gia có văn hóa đọc phát triển. Theo công bố của Hội Xuất bản Việt Nam qua một khảo sát gần đây, trong 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia nhưng không có Việt Nam. Còn theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, tỷ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Hơn 400 triệu bản sách phát hành đã có hơn 300 triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho dân số Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ tầm 1 đầu sách/người. Chỉ số này nói lên rằng sức đọc của người Việt Nam rất thấp.

Điều kiện cần thiết đã có nhưng vì sao chất lượng văn hóa đọc ở nước ta chưa được cải thiện vẫn là câu hỏi cần đi tìm lời giải.

Đổi mới trong từng cá nhân, tổ chức

Muốn có văn hóa đọc phát triển phải có chính sách hình thành thói quen đọc. Các nhà nghiên cứu văn hóa đọc cho rằng: Thói quen đọc một cách tự giác chỉ có thể hình thành khi con người không quá 10 tuổi. Qua “giai đoạn vàng” này rất khó để một cá nhân có thói quen đọc nếu không vì một công việc hằng ngày hoặc một lý do đặc biệt nào đó bắt buộc phải đọc.

Ưu tiên hình thành thói quen đọc cho trẻ dưới 10 tuổi hiện đang được toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, cách thức, tổ chức các hoạt động còn nặng hình thức. Lấy ví dụ, chỉ khi có sự kiện như Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), nhiều đơn vị mới tổ chức hoạt động để học sinh tiếp xúc với sách, báo. Sau khi ngày hội tưng bừng qua đi, rất hiếm có thêm các hoạt động văn hóa đọc phục vụ các em.

Phát triển văn hóa đọc thực chất
Xe thư viện lưu động của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh phục vụ các em thiếu nhi. Ảnh: VÂN HÀ 

Cũng cần chia sẻ với các đơn vị có nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc (như thư viện, nhà văn hóa, nhà xuất bản…) khi ngân sách cấp để thực hiện nhiệm vụ không nhiều. Tìm hiểu dự toán của một số thư viện công cộng cấp tỉnh, cấp huyện, chúng tôi thấy phần lớn kinh phí được sử dụng để tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thi phục vụ nhiệm vụ chính trị, sự kiện lớn của địa phương và của ngành thư viện. Phần kinh phí ít ỏi còn lại để phát triển văn hóa đọc như luân chuyển tài liệu, hướng dẫn trẻ em đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn bó với thư viện… Chỉ có một số ít thư viện công cộng như Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Đồng Tháp là có hoạt động tham quan thư viện, kết hợp hướng dẫn các em đọc sách miễn phí.

Để hỗ trợ văn hóa đọc phát triển, rất cần sự chung tay góp sức đáng kể của nhà trường và gia đình. Ở Hàn Quốc, cha mẹ có thói quen đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Ở Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Chuyên gia văn hóa đọc, TS Nghiêm Xuân Huy (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Đổi mới cách dạy và học trong nhà trường ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đọc. Nếu học sinh chỉ cần học trong sách giáo khoa theo kiểu thuộc lòng là có thể đạt thành tích, điểm số cao thì các em sẽ không cần đọc thêm tài liệu khác. Ở nước ngoài, nhiều môn học được kiểm tra dưới dạng thuyết trình với đề mở, bắt buộc các em phải tìm kiếm và đọc tài liệu thì mới có thể học tập tốt. Tóm lại, văn hóa đọc muốn phát triển phải gắn với lợi ích thiết thực của cá nhân, tổ chức”.

Với đối tượng người trưởng thành nếu không bắt buộc tự học, tự nghiên cứu phục vụ công việc và cuộc sống sẽ không tìm kiếm học liệu. Đây là lý do để TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel và các cộng sự phát triển ứng dụng By Day Learning (Học mỗi ngày) đang được áp dụng trong nội bộ Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) thu được nhiều kết quả khả quan. Đây là gợi ý tốt để các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số tạo ra các ứng dụng đa công năng phát triển văn hóa đọc: Vừa thông tin chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tin tức địa phương, vừa đăng tải các tài liệu địa phương chí đã được số hóa… Ứng dụng sẽ có chức năng thông báo, đánh giá, kiểm tra, buộc cá nhân phải thường xuyên tăng cường thói quen đọc và tự học.

Hiện nay, nhiều địa phương, tổ chức ở nước ta đã có nhiều sáng kiến phát triển văn hóa đọc hiệu quả. Vấn đề là cần nhân rộng những sáng kiến để duy trì và phát triển thực chất văn hóa đọc. Nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc dù được giao cho một số ngành như xuất bản, thư viện… giữ vai trò nòng cốt, song quan trọng nhất vẫn là nhận thức, ứng xử đúng đắn của mỗi cá nhân, tổ chức về văn hóa đọc mới tạo ra hứng thú, niềm say mê đọc, qua đó góp phần chấn hưng văn hóa đọc.