Sự ra đời của chiến lược này nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) nước nhà.

Đánh thức tiềm năng công nghiệp văn hóa

Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày ra mắt chương trình giới thiệu về đạo học Việt Nam bằng công nghệ 3D Mapping, đã thu hút rất đông các nhà nghiên cứu, người dân và du khách tới khám phá. Ánh đèn tắt đi, bóng đêm bao trùm toàn khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trong phút chốc Nhà Thái học lung linh tỏa sáng khi trở thành nền cho một cuộc trình diễn công nghệ. Những hình ảnh về văn hóa Việt Nam, những danh nhân văn hóa, truyền thống hiếu học, bia tiến sĩ… trở nên sống động, hấp dẫn, tạo ra cảm giác choáng ngợp khi được trình chiếu bằng công nghệ 3D Mapping.

Tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Bảo tàng gốm Bát Tràng-công trình thiết kế sáng tạo trở thành điểm đến trong du lịch làng nghề của Hà Nội. 

Chứng kiến những ứng dụng công nghệ hiện đại để góp phần quảng bá cho di sản văn hóa Văn Miếu-Quốc Tử Giám, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia không khỏi bất ngờ. Ông cho biết: “Trên thế giới, việc vận dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng, âm thanh trong các khu di sản được triển khai từ lâu để tạo nên những sản phẩm du lịch về đêm, thu hút du khách lưu trú, tăng lợi nhuận. Việt Nam đang sở hữu rất nhiều di sản văn hóa, nhất là những di sản đã được thế giới vinh danh, đây là nguồn lực văn hóa rất phong phú, độc đáo để chúng ta biến thành những sản phẩm trong sự phát triển các ngành CNVH-tức là chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức hấp dẫn, cạnh tranh”.

Ở không gian khác, làng nghề gốm Bát Tràng cũng được coi là một trong những điển hình của CNVH Thủ đô trong nhiều năm qua. Những mẫu mã, sản phẩm gốm qua kinh nghiệm, tài năng, sáng tạo và sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường trong nước lẫn quốc tế và nhất là khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO thì làng gốm Bát Tràng ngày càng trở nên tấp nập hơn, công việc của những người thợ gốm bận rộn lên gấp nhiều lần.

Dấu ấn phát triển các ngành CNVH ở nước ta trong 5 năm qua đã “đánh thức” những tiềm năng với 12 lĩnh vực như trong Chiến lược, như: Du lịch văn hóa, quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh… đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau, các ngành CNVH chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia.

Tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Tại cuộc hội thảo đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, nhiều bất cập, khó khăn đã được các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ rõ. Cụ thể là: Đầu tư tài chính cho văn hóa trong đó có CNVH còn hạn chế; xã hội hóa trong lĩnh vực CNVH còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết; cơ chế chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú, giàu có của Việt Nam thành sự đa dạng, giàu bản sắc và có khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm, dịch vụ CNVH còn thiếu đồng bộ; vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra phổ biến…

Mục tiêu đến năm 2030 phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam, bao gồm: Mở rộng phát triển sản phẩm, dịch vụ của các lĩnh vực thiết kế, thời trang, điện ảnh, xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, kiến trúc. Mục tiêu này nhằm tạo ra thương hiệu quốc gia về CNVH hay xây dựng một loạt thương hiệu (ví dụ như các thương hiệu theo phân ngành cụ thể), để quảng bá cho ngành CNVH Việt Nam trên toàn quốc và trên thế giới. Những lĩnh vực trên được đánh giá là các lĩnh vực có tiềm năng phát triển của Việt Nam, có khả năng tạo ra lợi thế so sánh với các nước trong khu vực. Hoạt động này cũng có thể kết hợp với du lịch và các hoạt động thu hút đầu tư trong nước. Cùng với đó là các mục tiêu: Hình thành thị trường phát triển ổn định cho các ngành CNVH; các ngành CNVH trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào giá trị gia tăng, tạo việc làm cho xã hội; hình thành một số trung tâm sáng tạo trên toàn quốc; tham gia vào mạng lưới các ngành CNVH toàn cầu, thiết lập mạng lưới quốc tế cho các ngành CNVH Việt Nam…

Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc ban hành và triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã trở thành động lực thúc đẩy hệ thống văn hóa vào những chuyển dịch sâu rộng hơn. Tuy nhiên, vai trò của bộ sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của nhiều bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và cá nhân tâm huyết với văn hóa nghệ thuật. Để phát triển ngành CNVH Việt Nam trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như sự đầu tư thích đáng để tạo đà cho những sáng tạo văn hóa nghệ thuật “cất cánh”.

Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, mang lại 29,5 triệu việc làm. Riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, doanh thu của ngành này là 743 tỷ USD và tạo việc làm cho 12,7 triệu lao động. Điển hình, các sản phẩm của làn sóng giải trí Hàn Quốc (Hallyu) đã đóng góp 10,8 tỷ USD vào GDP theo thống kê năm 2019. Tính đến tháng 8-2020, Hàn Quốc đã thành lập 32 trung tâm văn hóa tại 28 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam), châu Âu và châu Mỹ để quảng bá Hallyu. Bằng cách đó, “sức mạnh mềm” của Hàn Quốc đã lan tỏa khắp toàn cầu.