Cuốn sách được nhiều độc giả quan tâm, giới chuyên môn đánh giá cao với giải C Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V-2022.

Tác giả Tạ Duy sinh năm 1989 tại Hà Nội, hiện là giảng viên Khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học FPT. Anh đã có 4 năm (2012-2016) tu nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Trung Quốc họa tại Học viện Mỹ thuật Trung Quốc. “Lược sử Trung Quốc họa” được anh ấp ủ từ lâu, mất 5 năm để hoàn thành cuốn sách dày gần 600 trang, khổ 20,5×28,5cm.

Kết nối văn hóa đọc: Thông sử về Trung Quốc họa
Trang bìa cuốn sách.

Trung Quốc họa có lịch sử hơn 2000 năm nên không thể trong một cuốn sách vừa giới thiệu lịch sử, vừa phân tích, bình luận. Tạ Duy đã chọn hướng đi là viết một cuốn thông sử về Trung Quốc họa, giới thiệu 380 họa gia từ thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều (220-589) cho đến hết thế kỷ 20. Hướng đi này được bạn đọc đánh giá cao bởi lẽ sách cùng chủ đề không nhiều ở Việt Nam, mới có cuốn sách “Hội họa Trung Hoa-Qua lời các vĩ nhân và danh họa” (NXB Mỹ thuật và Công ty Nhã Nam xuất bản năm 2010, tái bản năm 2021) của Lâm Ngữ Đường do Trịnh Lữ dịch. Thông thường, để tìm hiểu một nền nghệ thuật, một thể loại, một lý thuyết…, độc giả phải đi từ tìm hiểu lịch sử, nắm bắt các khái niệm công cụ trước khi tìm hiểu sâu, kỹ. “Lược sử Trung Quốc họa” là cuốn sách dành cho bất cứ ai bước đầu tìm hiểu hội họa Trung Quốc.

Cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn bao quát và súc tích về nền hội họa duy nhất có sự thừa kế và tiếp nối hàng nghìn năm. Bố cục cuốn sách được biên soạn theo lối họa sử quen thuộc, trước tiên nêu khái quát diện mạo hội họa từng thời đại, sau đó bổ sung bằng tiểu sử vắn tắt cùng các sáng tác điển hình của các họa gia tiêu biểu. Nhờ sự sắp xếp khoa học, lối viết giản dị xen lẫn những câu chuyện, giai thoại thú vị, Tạ Duy đã khéo léo đưa độc giả ngược dòng thời gian thâm nhập thế giới của nhân vật họa (vẽ người), sơn thủy họa (vẽ núi sông), hoa điểu họa (vẽ chim, hoa, côn trùng), yên mã (vẽ ngựa), thư pháp, bích họa, bộ sưu tập tranh hoàng gia, họa viện cung đình, các họa phái…  

Đi liền với đó là tên tuổi họa gia gắn với những lời tán thưởng hoa mỹ nhất: Cố Khải Chi “phong thái phiêu dật như gió thổi chớp xẹt”,  Diêm Lập Bản “tái hiện vạn tượng đều chẳng sai sót”, Hàn Cán vẽ ngựa “đáng để trăm đời sau học tập”, Hoàng đế Tống Huy Tông Triệu Cát với lối thư pháp sấu kim thể (chữ mảnh như sợi vàng) “độc sáng một thư phong cổ kim chưa từng có”, Tề Bạch Thạch “nền tảng công phu thâm hậu, bút mực đạt đến chỗ tinh giản”…

Thông qua việc xem tranh, độc giả phần nào nhận ra sự khác biệt Trung Quốc họa với hội họa phương Tây từ lối vẽ, bố cục, màu sắc… cho đến những vấn đề tinh tế, sâu kín như chủ đề tư tưởng, sự nhân cách hóa, hệ thống biểu tượng đằng sau tác phẩm. Để tìm hiểu kỹ những vấn đề này, thiết nghĩ cần thêm những cuốn sách công phu. Hy vọng với sức trẻ và sự đam mê, tác giả Tạ Duy tiếp tục viết những cuốn sách mới mẻ, sâu sắc, thú vị về Trung Quốc họa trong tương lai.