Nhắc đến dấu ấn của đội ngũ làm phim Điện ảnh QĐND không thể không nhắc đến một lực lượng nghệ sĩ-chiến sĩ không quản hy sinh gian khổ, từ trong khói lửa đạn bom đã ghi được hàng chục vạn thước phim tư liệu quý giá. Những thước phim ấy đã trở thành chứng nhân lịch sử, trở thành một phần lịch sử văn hóa dân tộc, tài sản tinh thần vô giá của người Việt Nam.

Đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời chiến và thời bình luôn là đề tài gợi nên những xúc cảm mạnh mẽ đối với văn hóa, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điện ảnh nói riêng. Mặc dù đã ghi dấu ấn trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng những người làm phim Điện ảnh QĐND luôn trăn trở thực hiện những thước phim thể hiện nội dung khách quan, cách nhìn có hệ thống về cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Dấu ấn của những người chép sử bằng phim
 Hình ảnh trong phim tài liệu “Con đường đã chọn”. Ảnh tài liệu

Thời gian qua, Điện ảnh QĐND tiếp tục đưa đến khán giả nhiều bộ phim về đề tài này, đoạt những giải thưởng cao ở các kỳ liên hoan phim cũng như được đông đảo công chúng đón nhận. Một trong những dấu ấn để lại là bộ phim tài liệu dài 22 tập về cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc với tên gọi “Con đường đã chọn”. Bộ phim là tâm huyết của cả tập thể nghệ sĩ-chiến sĩ Điện ảnh QĐND thực hiện trong 4 năm, quy tụ thế hệ đạo diễn gạo cội, giàu kinh nghiệm như: Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Thi, NSND Đặng Xuân Hải, NSND Lưu Quỳ, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Huyên, nhà biên kịch Phạm Minh Lợi, Hà Đình Cẩn, Lại Văn Sinh, Lê Ngọc Minh…; bên cạnh đó là những đạo diễn trẻ giàu nhiệt huyết như: Nguyễn Hoàng Lâm, Đặng Thái Huyền, Bùi Chí Trung…

Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh QĐND chia sẻ, việc đầu tư, xây dựng các tác phẩm điện ảnh có giá trị nội dung và nghệ thuật cao về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ luôn cần thiết trong các giai đoạn lịch sử. Qua các cuộc kháng chiến, những bộ phim điện ảnh đã hoàn thành sứ mệnh khắc họa hình tượng người lính đậm chất anh hùng cách mạng với khát vọng giành độc lập, hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc. Ngày nay, đất nước bước vào giai đoạn mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thử thách. Người lính hôm nay gánh vác sứ mệnh mới, đối mặt với những vấn đề mới, luôn chiến đấu và hy sinh vì nhân dân, trên nhiều mặt trận. Vì vậy rất cần những tác phẩm điện ảnh được đầu tư phản ánh hình tượng người lính trong những “cuộc chiến đấu” đó.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Điện ảnh QĐND xác định giữ vững tôn chỉ, mục đích sáng tác của đơn vị. Phấn đấu cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao, trong đó có phim truyện điện ảnh; tiếp tục thực hiện tốt việc sản xuất phim thuộc Đề án phim chân dung tướng lĩnh trong QĐND Việt Nam; hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch phát triển văn hóa trong Quân đội đến năm 2030 và đẩy mạnh tuyên truyền các tác phẩm của Điện ảnh QĐND.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/dau-an-cua-nhung-nguoi-chep-su-bang-phim-738960