Một trong những môn học bắt buộc đối với sinh viên theo âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội chúng tôi là Lịch sử âm nhạc. Trong môn học này, chúng tôi được tiếp cận với những căn cứ xác định tính chất của âm nhạc Việt Nam các thời kỳ. Ở đây, chúng tôi đã hiểu rõ hơn về sự ra đời của nhạc đỏ.

Cũng như các loại hình văn học nghệ thuật khác, âm nhạc luôn lấy cuộc sống tươi đẹp, sôi động làm chất liệu. Ở giai đoạn từ năm 1945 trở về trước, nước ta xuất hiện loại hình âm nhạc mới vượt ra khỏi âm nhạc truyền thống mà nhiều người vẫn gọi là nhạc tiền chiến. Lê Thương, một trong những nhạc sĩ đi đầu của tân nhạc Việt Nam đã khẳng định, nhạc tiền chiến ra đời trong những năm từ 1938 đến 1945. Đặc trưng của dòng nhạc này là giai điệu trữ tình, lãng mạn và lời giàu chất văn học, nhưng có phần ủy mị, lướt thướt.

Cũng trong thời kỳ này, đặc biệt từ năm 1940 trở lại đây, song hành với nhạc tiền chiến là dòng nhạc đỏ. Có nhạc sĩ dẫn chứng, từ năm 1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và Phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931) ở nước ta xuất hiện bài hát cách mạng đầu tiên có tên “Cùng nhau đi Hồng binh” của Đinh Nhu: “Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh/ Nào anh em nghèo đâu? Liều thân cho đời sống…”. Đinh Nhu quê ở Hải Phòng, hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, tác giả sáng tác ca khúc này năm 20 tuổi.

Vào đầu thập niên 1940, xuất hiện nhiều bài ca cách mạng hừng hực khí thế yêu nước, căm thù giặc và đau đáu khát vọng giải phóng dân tộc của hai nhạc sĩ tiêu biểu: Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận. Đó là những bài: “Ải Chi Lăng”, “Bạch Đằng giang”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Hồn tử sĩ”, “Hờn sông Gianh”, “Lên đàng”, “Lời ru chim lạc”, “Tiếng gọi thanh niên”… (Lưu Hữu Phước); “Đoàn lữ nhạc”, “Hận Sơn La”, “Du kích ca”, “Côn Đảo”, “Chiều tù”, “Tiếng gọi tù nhân”, “Nhớ chiến khu”… (Đỗ Nhuận).

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San từng đánh giá: “Trong không khí sục sôi cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, những bài hát của hai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận đã “gãi đúng chỗ ngứa”, tức thổi vào tâm hồn họ luồng sinh khí mới, phù hợp với tình cảm yêu nước, căm thù giặc của họ. Ai nấy đều hân hoan, náo nức đón nhận”.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở đi, ở mỗi giai đoạn, nhạc đỏ càng phát triển và không thể thiếu trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc và là một phần của hồn dân tộc, góp phần định dạng văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều bài ca được ra đời phản ánh mọi mặt đời sống kháng chiến của dân tộc với ngôn ngữ âm nhạc thấm đượm chất liệu dân gian, hồn dân tộc nên được công chúng rất ưa thích. Có thể nhắc đến một số bài nổi tiếng trong hàng trăm bài tiêu biểu đã ra đời như: “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân); “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” (Đỗ Nhuận); “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành); “Chiến binh ca vũ khúc” (Nguyễn Ngọc Thới); “Hò dân cày” (Văn Chung); “Bộ đội về làng” (Lê Yên); “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải); “Lên ngàn”, “Nhạc rừng” (Hoàng Việt); “Tự túc” (Dương Minh Ninh); “Du kích Long Phú” (Quốc Hương); “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí)… và rất nhiều bài hát khác.

Giai đoạn sau năm 1954 tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này, nhạc đỏ tiếp tục nở rộ với những đỉnh cao mới. Hàng nghìn bài hát hay, xúc động ra đời từ cuộc sống dựng xây trên miền Bắc và chiến đấu giải phóng miền Nam còn khét mùi bom đạn của những tác giả: Lưu Hữu Phước, Xuân Hồng, Thuận Yến, Phạm Minh Tuấn, Huy Quang (Phan Huỳnh Điểu)… làm nức lòng người nghe. Đó là các bài: “Giải phóng miền Nam”, “Bài ca Giải phóng quân”, “Giờ hành động”, “Hành khúc giải phóng”, “Tình Bác sáng đời ta” (Huỳnh Minh Siêng); “Mỗi bước ta đi”, “Bài ca đội nữ tiếp vận”, “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc” (Thuận Yến); “Qua sông” (Phạm Minh Tuấn); “Ra tiền tuyến” (Huy Quang); “Bài ca may áo”, “Xuân chiến khu”, “Chiếc khăn tay”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (Xuân Hồng); “Gửi anh đi đầu quân”, “Nhớ anh Giải phóng quân” (Nguyễn Thơ); “Lời ru trên nương” (Hồ Thuận An)…

Nếu như nhạc tiền chiến lãng mạn, tách rời đời sống, thường không có không gian hoặc thời gian cụ thể thì nhạc đỏ đặt tính lãng mạn, lý tưởng hóa gắn với cuộc sống xã hội, có không gian, thời gian cụ thể và thực tế hóa. Các ca khúc nhạc đỏ đã vượt qua cái tôi ủy mị, hướng tới cổ vũ tinh thần lạc quan cách mạng, nêu cao sĩ khí, ý chí chiến đấu, khuyến khích lý tưởng sống cao đẹp hoặc là những bài hát trữ tình cách mạng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc động viên tinh thần lao động, yêu cuộc sống, cộng đồng, dân tộc.

Đoàn Văn công Hải quân biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Ảnh: NGUYỄN BÌNH 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, văn công hát ngay tại chiến hào để động viên binh sĩ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đi đến các binh trạm ở Trường Sơn hát cho bộ đội để củng cố tinh thần. Họ theo chân bộ đội đến mọi chiến dịch. Tiếng hát của họ đã “át” cả tiếng bom, giúp thương binh bớt đau thương để chiến thắng kẻ thù. Tiếng hát của bộ đội vang lên trên đường hành quân dặm dài, khiến “núi phải cúi đầu, khiến sông sâu phải nhường bước”.

Sự ra đời của nhạc đỏ trong những giai đoạn kháng chiến, giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc được nhân dân yêu mến, đến nay dòng nhạc này vẫn được người nghe mến mộ, ưa chuộng. Thực tế là đã có thế hệ ca sĩ sau năm 1975 rất thành công khi hát dòng nhạc này, tiêu biểu như: Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn, Anh Thơ…

Là ca sĩ của Đoàn Văn công Hải quân, tôi được tham gia nhiều chương trình biểu diễn ở trong nước và nước ngoài. Với chất giọng nam trung, tôi đã chọn nhạc đỏ để biểu diễn. Tôi nhớ, khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng, vào TP Hồ Chí Minh biểu diễn, nhiều khán giả đã yêu cầu tôi hát lại bài “Khát vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hay bài “Tổ quốc gọi tên mình” sáng tác của Đinh Chung Cẩn, lời thơ Phan Quế Mai. Khi biểu diễn ở vùng cao, trong đó có nhiều đồng bào chưa thạo tiếng phổ thông, nhưng họ vẫn yêu cầu tôi hát lại bài “Tổ quốc gọi tên mình”… Trước năm 2020, tôi tham gia các đoàn đi biểu diễn ở Nga và Trung Quốc. Điều đọng lại trong tôi là khán giả nước bạn đã hồ hởi đón nhận các ca khúc nhạc đỏ của Việt Nam. Ngoài nhạc đỏ mang đi giới thiệu với bạn bè quốc tế, đến Trung Quốc, tôi hát ca khúc “Sông Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông” và sang Nga thì hát “Chiều hải cảng” đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Tôi thấy một sự thật không thể phủ nhận là, hiện nay, những bài hát được số đông công chúng ưa thích, sử dụng trong các liên hoan, hội diễn, lễ hội, thậm chí cả những buổi hát karaoke tập thể chủ yếu vẫn là các bài ra đời trong giai đoạn này. Cạnh đó, là ca sĩ, tôi được nhiều bạn trẻ là nhạc sĩ lứa tuổi 8X, 9X gửi cho các sáng tác mới với âm hưởng nhạc đỏ để biểu diễn. Tôi cũng rất khâm phục các bạn đồng nghiệp khi tiếp bước âm hưởng nhạc đỏ để sáng tác và phục vụ công chúng. Tiêu biểu có Hoàng Hồng Ngọc (sinh năm 1992) với sáng tác “Lời Đảng hiệu triệu trái tim”; nhạc sĩ-ca sĩ Tạ Quang Thắng (sinh năm 1988) với ca khúc “Lá cờ”. Hoặc như những sáng tác mới trong MV “Có Đảng sáng soi vững bước ta đi” hết sức trẻ trung, sôi động của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn (sinh năm 1983) cho giới trẻ (Gen Z), góp phần tạo nên sức sống mới cho dòng nhạc cách mạng trong thời đại mới. Một loạt ca khúc của anh, như: “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh”, “Có Đảng sáng soi vững bước ta đi”, “Việt Nam ngày nắng mới”… mang hơi hướng world music (pha trộn chất liệu dân gian với các thể loại khác như jazz, cổ điển…) đã chinh phục và thu hút đông đảo giới trẻ.

Nhìn ra thế giới, chúng ta đều biết rằng, âm nhạc ở các nước phát triển mang tính thị trường rất cao. Hiện nay họ đã chuyển sang một giai đoạn khác, đó là giai đoạn phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc trưng của họ là đầu tư lớn và có chiều sâu cả về con người, công nghệ để thu hút công chúng. Sản phẩm của họ là thể loại âm nhạc kết hợp nhuần nhuyễn cả lời, âm thanh, ánh sáng và phục vụ chuyên nghiệp. Ví như Blackpink chẳng hạn. Họ đã lựa chọn và đầu tư kỹ lưỡng từ rất nhiều năm trước mới có được tài năng đỉnh cao như hiện nay. Thế nên, không phải giới trẻ ở Việt Nam mà ngay cả giới trẻ nhiều nước trên thế giới cũng nghiện âm nhạc của họ. Tuy nhiên, qua theo dõi các trào lưu âm nhạc thì thấy có một xu thế, thời gian tồn tại của một dòng nhạc hiện đại trong đời sống là không dài như trước đây. Trong khi đó, nếu tính từ khi ra đời vào năm 1940 thì đến nay, nhạc đỏ đã tồn tại và có sức sống mãnh liệt ở nước ta tới 83 năm. Nhạc đỏ đã ra đời, phát triển và đồng hành với các cuộc chiến giành độc lập, tự do của dân tộc; nó là một phần rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc, là một phần hồn cốt của dân tộc…

Theo suy nghĩ của tôi, nhạc đỏ sẽ còn mãi với thời gian và sẽ luôn được các thế hệ trẻ Việt Nam đón nhận, yêu mến. Nhạc đỏ sẽ trường tồn như một ngọn lửa không bao giờ tắt!

Nguồn:https://ct.qdnd.vn/van-hoc-nghe-thuat/nhac-do-lua-cua-hon-dan-toc-529223