Phóng viên (PV)Năm 2023, liên tiếp có các cuộc thi tài năng tuồng, chèo, dân ca kịch mở ra; riêng tháng 8 vừa qua có 3 cuộc thi tài năng nhảy múa, múa rối và diễn viên kịch nói, tới đây là tài năng diễn viên cải lương… Việc tìm kiếm nguồn nhân lực của nghệ thuật biểu diễn phải chăng đang được đặt ra rất cấp thiết, thưa bà?

NSƯT Trần Ly Ly: Theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tất cả các cuộc thi, sự kiện của Bộ sẽ tập trung vào khoảng thời gian nhất định trong năm để tạo nên dấu ấn, điểm nhấn.

Với việc tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật biểu diễn, có thể nói đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý văn hóa hiện nay. Thông qua các cuộc thi này có thể kịp thời ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật, qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật và đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội.

Quan tâm đầu tư, phát triển nguồn nhân lực biểu diễn chất lượng cao
 NSƯT Trần Ly Ly.

Theo thống kê của chúng tôi, số diễn viên trong độ tuổi 20-25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25-30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%… Bất cập dễ nhận thấy là nhiều diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên, xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế thì khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực sung sức. Ngay với các cuộc thi tìm kiếm tài năng đã và đang tổ chức, chúng tôi cũng buộc phải nới rộng quy định về độ tuổi thí sinh tham dự. Cũng có nghĩa, tên cuộc thi chung là tài năng, chứ không được như trước là tài năng trẻ.

PV: Từ các cuộc thi, bà đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực cũng như chất lượng của các tài năng biểu diễn nghệ thuật hiện nay?

NSƯT Trần Ly Ly: Nhiều diễn viên có tố chất tốt nhưng chưa có đất diễn làm tiết mục chưa có sức thuyết phục, chưa thể hiện được hết khả năng. Điều này có thể được nhìn thấy rất rõ ở các cuộc thi tài năng.

Thực tế, để đào tạo nên một diễn viên biểu diễn ở bất cứ thể loại nghệ thuật nào cũng rất kỳ công, vất vả. Nhất là trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa đang diễn ra nhanh chóng với nhiều xu hướng hiện nay, thì việc một diễn viên chỉ thể hiện tài năng diễn xuất thôi là không đủ. Lấy ví dụ, để trở thành một diễn viên kịch hoặc điện ảnh, sinh viên phải học theo vai mẫu diễn xuất, học chuyển động hình thể, học hát, đàn, múa… quá trình khổ luyện, nhưng tốt nghiệp ra trường lại đối diện với câu chuyện việc làm, biên chế, đãi ngộ. Nếu lương của diễn viên ra trường 15-20 triệu đồng thì bảo đảm ngay lập tức các trường đào tạo sẽ rất “hot”. Nhưng bỏ nhiều năm đam mê học tập, rèn luyện khó, khổ, nguy hiểm, độc hại, như xiếc, múa… mất 6-7 năm, ra trường xin được biên chế còn chật vật, lương 3-5 triệu đồng/tháng, thì khó thu hút được nhân tài. Đó cũng là bất cập khiến hàng chục năm nay khó tuyển sinh diễn viên sân khấu truyền thống tuồng, dân ca kịch, cải lương hay nhạc cụ truyền thống.

Những điều trên dẫn đến bài toán nan giải hiện nay của nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm đương những vai diễn chính tạo nên hồn cốt cho các chương trình, vở diễn.

Hệ sinh thái cho công nghiệp văn hóa

PV: Nghệ thuật biểu diễn được đánh giá là một lĩnh vực giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng thực tế nhìn lại thì dường như chúng ta chưa thực sự khai thác được “mảnh đất” màu mỡ này?

NSƯT Trần Ly Ly: Câu chuyện của nhóm nhạc Hàn Quốc đến Việt Nam biểu diễn vừa qua là ví dụ điển hình về sự thành công của công nghiệp văn hóa nước bạn. Chúng ta có làm được không? Thực tế, để làm được như vậy, họ đã phải mất hàng chục năm để đầu tư cho việc đào tạo, rèn luyện… theo đúng chuẩn và chuyên nghiệp là công nghiệp văn hóa.

Quan tâm đầu tư, phát triển nguồn nhân lực biểu diễn chất lượng cao
 Tiết mục thi tài năng múa toàn quốc diễn ra tháng 8-2023.

Nghệ thuật biểu diễn được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam chúng ta hiện nay. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp tới 7% GDP, trong đó, ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD; ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD… Theo số liệu báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016-2021, ngành nghệ thuật biểu diễn đạt doanh thu gần 20 triệu USD. Như vậy, trong mục tiêu trên, nghệ thuật biểu diễn đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng GDP của các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng đây là con số còn quá khiêm tốn so với mặt bằng chung của thế giới.

Để tạo ra thương hiệu quốc gia, cần mang được các sản phẩm biểu diễn đến với công chúng trong nước và nước ngoài, tạo sức mạnh cộng hưởng để thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch, dịch vụ… Tuy nhiên, sẽ không thể phủ nhận được vai trò quyết định nâng tầm chất lượng nghệ thuật biểu diễn chính là nhân tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Nghệ thuật biểu diễn không thể trở thành thương hiệu quốc gia nếu chúng ta không có những nghệ sĩ thật sự tài năng, thật sự sáng tạo.

Bên cạnh đó, chúng ta phải có những tác phẩm nghệ thuật đủ tầm vượt ra khỏi biên giới quốc gia, mang được tư tưởng, thông điệp lớn, phản ánh được văn hóa dân tộc. Hiện nay, chúng ta có rất ít tác phẩm kịch, âm nhạc xứng tầm thời đại.

PV: Theo bà, tạo đòn bẩy cho công nghiệp văn hóa, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần có sự chuẩn bị như thế nào?

NSƯT Trần Ly Ly: Những cuộc thi tài năng nghệ thuật biểu diễn đã và đang diễn ra, cũng như những hoạt động sôi nổi thời gian vừa qua được cho là động lực để chúng ta thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Quan điểm của tôi, cùng với quá trình thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn thì một trong những vấn đề then chốt là phải thay đổi tư duy, cách quản lý, cách tiếp cận thị trường của các nhà quản lý, những người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật. Chúng ta phải tạo ra một hệ sinh thái của ngành công nghiệp văn hóa mà trong đó các lĩnh vực đều quan trọng, tạo nên sức bật lớn đối với phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Cần tìm mọi giải pháp để nâng cao giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường, không biến nghệ thuật biểu diễn thành một thứ hàng hóa mà ở đó bất chấp lợi nhuận để biến nghệ thuật thành một thứ rẻ tiền, không vươn tầm được thời đại; chỉ mang tính giải trí đơn thuần mà không có định hướng về tư tưởng, lối sống, cổ vũ cho một xã hội hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ.

Đồng thời, phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành nghệ thuật biểu diễn. Thực tế cho thấy số lượng và chất lượng tài năng trong nghệ thuật biểu diễn còn khá khiêm tốn. Chúng ta chưa có một đội ngũ đủ mạnh, đủ tầm để làm cho nghệ thuật biểu diễn trở thành thương hiệu quốc gia. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, con người luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu.

Do đó, cần chú ý đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thay đổi phương thức đào tạo theo phương châm lấy người học làm trung tâm, làm chủ thể, không theo kiểu kinh viện, thầy làm gì trò làm như thế. Phải tạo điều kiện cho người học tự tìm tòi, tự tìm ra cái mới. Cần tăng cường phát hiện và bồi dưỡng nhân tố nghệ thuật từ khi còn tuổi nhi đồng, thiếu niên… Nguồn nhân lực này phải giỏi cả kiến thức xã hội, kinh tế, nhất là kinh doanh nghệ thuật đúng nghĩa. Phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục nghệ thuật, thực hiện mô hình “Con đường phát triển tài năng nghệ thuật-từ sân khấu trong nước đến sân khấu quốc tế”.

Các nhà quản lý và người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy. Không tư duy quản trị theo kiểu xin-cho, “giật gấu vá vai”, “ăn đong”, dựa vào bao cấp của Nhà nước, kể cả đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tất nhiên Nhà nước, như tôi đã nói, phải có một chính sách đủ thông thoáng, đủ độ mở để tạo điều kiện cho các nhà hát, nghệ sĩ được làm việc, cống hiến.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/quan-tam-dau-tu-phat-trien-nguon-nhan-luc-bieu-dien-chat-luong-cao-743730