Thứ sáu,  05/07/2024

Đông đảo người dân tham dự lễ hội đền thờ Trần Hưng Đạo, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định

– Ngày 1/10 (tức 17/8 âm lịch), UBND thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định tổ chức lễ hội đền thờ Trần Hưng Đạo (đền Gốc Sung).

Đoàn đại biểu huyện Tràng Định dâng hương tại di tích đền thờ Trần Hưng Đạo

Các đại biểu tham dự khai mạc lễ hội

Đền thờ Trần Hưng Đạo tại khu III, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Đây là cơ sở tín ngưỡng có kiến trúc nghệ thuật, do phía trước sân đền có một cây sung cổ thụ đường kính thân tới 1,5m nên người dân quanh vùng quen gọi là đền Gốc Sung. Thông qua một số di vật còn lưu giữ tại đền, đặc biệt là sắc phong Triều Trần của vua Tự Đức năm thứ 3 (1850) có thể thấy đền đã có từ những năm đầu của thế kỷ 19. Trước đây đền có kiến trúc kiểu chữ đinh chuôi vồ, nhưng do trải qua thời gian dài và chiến tranh nên đền đã hư hỏng, xuống cấp. Đến năm 2011, đền được trùng tu, xây dựng lại và thay đổi kiến trúc hình chữ nhất (-) kiểu nhà dân, gồm 3 gian: Tiền tế, Đại bái, Hậu cung.

Người dân thích thú theo dõi các hoạt động của lễ hội

Đền Gốc Sung thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Ông là danh tướng thời nhà Trần, người có công lớn trong ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông đồng thời ông còn là một nhà nghiên cứu quân sự với các bộ binh pháp như: Binh thư yếu lược và Vạn kiếp bí truyền. Do có những công lao to lớn như vậy nên ông được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh và gọi là Đức Thánh Trần. Hằng năm vào ngày 20 tháng 8 âm lịch (ngày mất của Đức Thánh Trần), người dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao, đóng góp của ngài đối với lịch sử dân tộc. Năm 1992, đền đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Nghi thức rước kiệu đặc sắc từ di tích đền thờ Trần Hưng Đạo đến đền Mẫu, đền Quan Lãnh

Lễ hội năm nay hội được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 723 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý – ngày 20 tháng 8 năm Quý Mão). Lễ hội bao gồm các phần lễ bao sái kiệu; lễ thổ công, miếu có liên quan; cáo yết cửa Mẫu; tổ chức dâng hương Nhà lưu niệm Bác Hồ; dâng hương tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần; rước kiệu từ di tích đền thờ Trần Hưng Đạo đến đền Mẫu, đền Quan Lãnh và ngược lại; hầu đồng… Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện và tỉnh tham dự.

Rước kiệu Mẫu tại lễ hội

Thông qua các hoạt động trong lễ hội, đã tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử và di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Nhân dân suốt chiều dài lịch sử, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hượng, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 73 năm ngày giải phóng Thất Khê (10/10/1950 – 10/10/2023) và Chiến thắng Biên giới Thu – Đông năm 1950.

HOÀNG HIẾU - PHƯƠNG DUNG