Thứ sáu,  05/07/2024

Tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 – 2023).

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo một số bộ, ngành của Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành, tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2009 đến năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã phối hợp chặt chẽ thực hiện Đề án, qua đó đạt được những kết quả quan trọng. Từ việc thực hiện thí điểm Đề án tại 16 tỉnh, thành, đến năm 2012, Đề án đã được triển khai đến tất cả các cơ sở xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong giai đoạn 2009 – 2023, Đề án đã cung cấp gần 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số 14.408.340 bản in về cơ sở. Nội dung các cuốn sách phong phú đa dạng trên các lĩnh vực. Đặc biệt, từ năm 2020, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã số hóa đầu sách của Đề án, xây dựng “thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn”, qua đó đã thu hút được hơn 700 nghìn lượt đọc, tra cứu, học tập miễn phí các cuốn này…

Bên cạnh đó, qua triển khai Đề án còn có hạn chế như: Một số địa phương trong những năm đầu còn lúng túng việc tiếp nhận sách, trong các đầu sách còn thiếu những cuốn về ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiến thức về văn hóa, phong tục, tập quán, sách song ngữ cho thiếu niên, nhi đồng; nhiều nơi người dân khó tiếp cận được sách của Đề án, một số nơi chưa có phòng đọc riêng…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, phát biểu bổ sung kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án, thực tiễn việc triển khai Đề án tại đơn vị, địa phương mình, nhu cầu đọc sách của cán bộ, đảng viên và việc phát triển văn hóa đọc tại cơ sở, những giải pháp để khai thác hiệu quả tủ sách ở cơ sở…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được qua triển khai Đề án, khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của Đề án này.

Phát huy kết quả đã đạt được, đồng chí đề nghị: Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quán triệt triển khai Đề án, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc lan tỏa văn hóa đọc sách tại cơ sở. Trên cơ sở rà soát nhu cầu đọc sách của cán bộ, đảng viên, người dân, đơn vị chủ trì thực hiện Đề án cần quan tâm lựa chọn, phân phối sách đảm bảo đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa phương. Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cao các thiết chế văn hóa, trang bị thêm nhiều đầu sách, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phòng đọc, thư viện công cộng cho người dân đến đọc sách. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc quan tâm giữ gìn phương thức đọc sách truyền thống cần đẩy mạnh việc đọc, tiếp cận sách trên thư viện điện tử…

Tại tỉnh Lạng Sơn, trong 15 năm qua, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo nghiêm túc việc thực hiện Đề án; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành các văn bản về việc triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Theo đó, 100% các xã, phường, thị trấn có tủ sách và bố trí cán bộ phụ trách tủ sách, số lượng đầu sách trung bình của tủ sách khoảng 500 quyển/tủ, số lượng ngăn sách pháp luật trung bình 40 đến 80 quyển/ngăn. Cùng đó, việc khai thác, sử dụng sách điện tử của Đề án cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua triển khai Đề án đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc xác định vị trí, vai trò của tủ sách ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở…

PHƯƠNG VY