Thứ hai,  08/07/2024

Quan tâm bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ban Dân tộc tỉnh tổ chức cho học viên lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc nghiên cứu thực tế Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn (tháng 10/2023)

Với đặc điểm tỉnh miền núi, dân số phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.

Lạng Sơn là tỉnh thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, toàn tỉnh hiện có trên 800.000 dân, đồng bào DTTS chiếm gần 84%, gồm 7 dân tộc chính là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông. Thực hiện Quyết  định  số  771/QĐ-TTg  ngày  26/6/2018  của  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 – 2025” và nội dung “bồi dưỡng kiến thức dân tộc” thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025, công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện bài bản, nghiêm túc, đảm bảo quy định.

Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Với tình hình thực tế của tỉnh miền núi, số lượng đồng bào DTTS đông, việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có ý nghĩa thiết thực. Để đảm bảo chất lượng các lớp bồi dưỡng, chúng tôi còn phối hợp với Học viện Dân tộc trong tổ chức, truyền đạt các chuyên đề. Trong đó, tập trung trang bị những kiến thức về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS; đặc điểm, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, tình hình công tác dân tộc của tỉnh. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nói chung, đặc biệt là triển khai nội dung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều ban hành kế hoạch bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Đối tượng tham gia bồi dưỡng kiến thức dân tộc gồm cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, gồm: lãnh đạo phòng và tương đương cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; lãnh đạo đảng ủy, UBND, HĐND cấp xã; ban giám hiệu các trường học ở địa bàn đông đồng bào DTTS; công chức các cấp trực tiếp tham mưu, theo dõi về công tác dân tộc; bí thư chi bộ, trưởng thôn ở địa bàn đông đồng bào DTTS… Mặc dù thời gian đầu thực hiện chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhờ linh hoạt các biện pháp triển khai nên công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc vẫn được duy trì thực hiện. Đơn cử từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức được 31 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho trên 2.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự, đạt mục tiêu kế hoạch hằng năm đề ra.

Năm 2023, tình hình sản xuất và đời sống của Nhân dân toàn tỉnh, trong đó có vùng đồng bào DTTS có bước phát triển tích cực. Tiêu biểu như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7%; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm trên 3%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 96,1%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80,5%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%…

Điểm nổi bật tại các lớp bồi dưỡng là học viên đều được tham gia nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm. Từ năm 2021 đến nay, 100% lớp bồi dưỡng đều dành thời gian cho học viên đi tìm hiểu thực tế tại các di tích lịch sử, mô hình điểm về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Bà Nông Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Xã tôi có trên 95% dân số là người dân tộc Tày, Nùng. Tháng 10/2023, tôi tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Học viện Dân tộc tổ chức trong 5 ngày. Qua lớp bồi dưỡng, tôi được cập nhật những kiến thức tổng quan về công tác dân tộc, hiểu rõ hơn tình hình, đặc điểm DTTS của tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi được nghiên cứu thực tế tại huyện Bắc Sơn, nghe báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của huyện. Từ đó, tôi có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế để triển khai hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn xã.

Qua các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc đã nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Từ đó, góp phần đưa các chính sách dân tộc vào cuộc sống hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo nhu cầu thực tiễn triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

DƯƠNG DUYÊN - THANH MAI