Thứ tư,  03/07/2024

Người mang “mùa xuân” về cho phố chợ Kỳ Lừa

Đền Tả Phủ thờ Thân Công Tài tại phố chợ Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn)

Cứ mỗi độ xuân sang, phố chợ Kỳ Lừa lại bước vào những tháng ngày rộn ràng, náo nức nhất của năm. Có lẽ, không ở đâu, bức tranh văn hoá dân tộc Lạng Sơn lại hiện lên rõ nét, sống động như ở phố chợ Kỳ Lừa mùa xuân. Ở đó không chỉ có sắc màu rực rỡ của trang phục, dư vị tinh tuý của ẩm thực, mà còn có các di sản văn hoá phi vật thể bên cạnh nét trầm lắng của các di tích lịch sử văn hoá có niên đại xa xưa…

Phố chợ Kỳ Lừa do Tả Đô đốc, Hán Quận công Thân Công Tài lập nên từ cuối thế kỷ XVIII cho thương nhân hai nước Việt – Trung tới làm ăn buôn bán. Ông là người đã đặt nền móng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của thành phố Lạng Sơn thời kỳ Trung đại.

Thân Công Tài là một vị quan võ dưới triều vua Lê – chúa Trịnh thế kỷ XVII. Tuy giữ nhiều trọng trách trong phủ chúa nhưng chính sử ghi chép về ông rất ít và mờ nhạt. Ngày nay, để tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của ông, các nhà nghiên cứu căn cứ chủ yếu vào gia phả của dòng họ Thân, những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian, đặc biệt là văn bia, hoành phi, câu đối cổ tại các điểm di tích thờ phụng ông ở Lạng Sơn, Bắc Giang như đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); nghè Nếnh (thôn Khánh Ninh, Thị trấn Nếnh), mộ và đền thờ Thân Công Tài, đình Điêu Liễn, đình Hùng Lãm (xã Hồng Thái), đình Thượng Phúc (xã Tăng Tiến) huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Trong đó, có những tấm bia quý được tạo tác ngay khi ông còn sống hoặc chỉ vài năm sau khi ông mất đi nên có độ tin cậy, chính xác rất cao – sớm nhất là năm 1675, muộn nhất là năm 1686. Tháng 10/2023, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với các bậc tiền nhân đã có công đặt nền móng, xây đắp nên thành phố tỉnh lỵ, UBND thành phố Lạng Sơn đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học riêng về Thân Công Tài với sự tham gia của đại diện chính quyền huyện Việt Yên quê hương ông, các nhà khoa học ở trung ương và địa phương. Qua đó đã góp phần làm sáng rõ cuộc đời, công lao đóng góp của ông trong việc xây dựng và phát triển phố chợ Kỳ Lừa – trung tâm kinh tế, văn hoá của Lạng Sơn qua nhiều thế kỷ.

Thân Công Tài (tự Phúc Khiêm) sinh năm 1620, quê ở xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) trong một dòng dõi khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt cao như Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1418-1499), Tiến sĩ Thân Nhân Tín (1439 -?), Thám hoa Thân Cảnh Vân (1463 – 1530)… Con đường công danh, sự nghiệp của Thân Công Tài trải qua năm đời vua Lê Trung Hưng – từ thời Lê Chân Tông đến Lê Hy Tông với nhiều biến động lớn của lịch sử. Nổi bật là các cuộc tranh chấp quyền binh giữa vua Lê – chúa Trịnh và các thế lực phong kiến khiến cho đất nước rối ren, đời sống nhân dân ngày càng cực khổ, nạn cướp bóc hoành hành…

Do có tài thao lược, ông nhiều lần được chúa Trịnh tin cẩn giao cầm quân đi dẹp loạn ở Kinh Bắc, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Mỗi lần lập nên công trạng là ông lại được triều đình ban thưởng, thăng quan, tiến chức. Năm 1667 ông được phong tước Hán Quận công, giao giữ chức cai quản, kiêm Tri Thị nội thư. Năm 1672 ông được thăng là Đề đốc đạo Kinh Bắc – một chức quan chỉ huy quân đội đặc trách Trấn thủ Lạng Sơn. Ông trở thành vị võ tướng cai quản một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Bắc Tổ quốc. Có thể nói, những năm tháng ở Lạng Sơn là thời kỳ thăng hoa, huy hoàng nhất trong sự nghiệp của ông.

Bia “Tôn sư phụ bi” tại đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) lập năm Chính Hoà thứ tư

Là vị quan đứng đầu một trấn biên cương “cửa ngõ, phên dậu” của Tổ quốc, ông không chỉ chăm lo phòng thủ Đoàn Thành, duy trì mối bang giao hữu hảo với nhà Thanh (Trung Quốc), giữ vững biên cương Tổ quốc mà còn tạo nên sức bật về kinh tế, được triều đình ban tặng nhiều chức tước cao quý. Tiêu điểm là sự kiện đề xuất khai mở, lập nên phố chợ Kỳ Lừa thu hút thương khách Trung Quốc sang làm ăn buôn bán, thương nhân thập phương tới họp chợ. Khi ông lên nhậm chức ở đây, mạn Bắc Đoàn Thành ở phía bên kia sông Kỳ Cùng vẫn là vùng đồi núi hoang sơ, dân cư thưa thớt, chưa có chợ mặc dù hoạt động thương mại, giao thương ở đó xuất hiện từ rất sớm.

Vào thời Lý (thế kỷ XI, XII) nơi đây đã diễn ra các hoạt động buôn bán, trao đổi có tính chất ngoại hoá giữa người địa phương với thương nhân Trung Quốc. Với tầm nhìn xa trông rộng, tư duy nhạy bén với thời cuộc, ông đã sớm nhận thấy vùng đất ven bến sông Kỳ Cùng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành tụ điểm dân cư, có thể mở chợ để cùng với trị sở Đoàn Thành bên kia sông hợp thành đô thị như một số nơi khác ở nước ta. Lúc này, hoà chung với nhịp phát triển kinh tế hàng hoá của đất nước, tại Lạng Sơn, hoạt động giao thương diễn ra ngày càng sôi động hơn. Khách buôn Trung Quốc thường xuyên mang hàng sang bán, thương nhân miền xuôi cũng chuyên chở hàng hoá ở vùng châu thổ lên, họ thường xuyên cư trú dài ngày ở đây. Mở chợ cho thương nhân hai nước làm ăn buôn bán, thúc đẩy thương nghiệp phát triển trở thành vấn đề rất cần kíp lúc đó. Thân Công Tài đã cùng Vũ Quận công Vi Đức Thắng (vị quan Thổ ty họ Vi gốc Lộc Bình giữ chức Đô Tổng binh sứ ty của Lạng Sơn) chỉ đạo việc san đồi bạt núi, lập nên phố chợ Kỳ Lừa gồm khu chợ và 7 con đường xung quanh đó dể nhân dân tới sinh cơ, lập nghiệp. Ngày nay, đa số các nhà sử học và nghiên cứu văn hoá đều nhất quán cho rằng các con phố này là phố Chính Cai, Bắc Cai, Nam Cai, Đông Cai, Tây Cai, Phai Món, Pò Càng (thuộc khu vực các phố Kỳ Lừa, Thân Công Tài, Thân Cảnh Phúc, Ngô Văn Sở, Phai Món, Lương Văn Tri, đường Bắc Sơn,… hiện nay).

Là người tài năng, đức độ, Thân Công Tài không chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu phố chợ mà còn tạo môi trường, cơ chế thông thoáng, động viên, khuyến khích nhân dân phát triển thương nghiệp. Ông“dốc lòng phủ dụ thương yêu dân, cốt sao tránh được phiền hà. Quan cũng như dân khắp vùng đều sợ oai của Ngài, vui sướng tắm ân đức Ngài. Thương khách thập phương đều muốn xin đến buôn bán họp chợ” (văn bia đền Tả Phủ, năm 1683). Với lòng ngưỡng mộ và biết ơn vô hạn, đầu năm 1683 khi ông còn đương chức, Phiên tướng, quan Phụ đạo, các châu, thương nhân 13 phường buôn của Trung Quốc, 7 phường của trấn lỵ Lạng Sơn đã lập một ngôi miếu nhỏ ở phía Tây chợ Kỳ Lừa tôn thờ ông là sư phụ:

Tôn sư phụ thất châu cung sùng từ vũ

Tả Đô đốc Lê Hoàng triều phong tặng thạch bi

(Tôn sư phụ, dân bảy châu tôn sùng dựng miếu Tả Đô đốc Hoàng triều Lê phong tặng tạc bia)

Tại đó, họ đã dựng một tấm bia tứ diện (bia bốn mặt) khá lớn, chạm khắc công phu để viết về sự kiện này. Đó là bia Tôn sư phụ bi (Văn bia kính bầu sư phụ) – một trong ba tấm bia tứ diện đẹp và quý hiếm, có niên đại sớm của Lạng Sơn bên cạnh bia cầu đá Kỳ Lừa (TPLS), bia cầu đá Dã Nham (huyện Văn Quan). Nội dung tấm bia nói về công trạng, phẩm hạnh cao quý của Thân Công Tài và suy tôn ông làm thày, làm cha. Bên cạnh đó còn ghi lệ thờ cúng, tên những người công đức xây miếu, lập bia. Đặc biệt ở mặt sau của tấm bia có khắc dòng chữ lớn “Lưỡng quốc khách nhân” tôn xưng ông là người khách quý của hai nước (Việt – Trung). Theo GS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), tấm bia giá trị này xứng đáng là bảo vật Quốc gia của Việt Nam. Việc xây miếu, lập bia hoàn thành vào tiết Thanh minh (mùng 3/3) năm Quý Hợi (1683) thì giờ Mùi, ngày 11 tháng Tám năm đó ông mất, hưởng thọ 64 tuổi. Sử sách của Việt Nam và Trung Quốc đều chép việc tháng 5 năm 1683 ông được triều đình cử đi cùng Nguyễn Tông Quai lên ải Nam Quan nhận tù binh Mạc do nhà Thanh trao trả. Cũng năm đó ông được phong chức Đô đốc Đồng tri. Một thời gian sau ông về quê và mất, an táng tại quê nhà. Địa điểm này nay là khu mộ và đền thờ Thân Công Tài ở xóm Ga, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang – di tích đã được xếp hạng Quốc gia năm 2015. Sau khi ông mất, xét công trạng triều đình gia tặng cho ông chức Tả Đô đốc – một chức trưởng quan quân sự của Bắc quân, một trong Ngũ quân của triều đình bao gồm: Bắc quân, Nam quân, Đông quân, Tây quân và Trung ương. Ông được nhân dân Lạng Sơn thờ cúng ở ngôi miếu này. Về sau miếu được xây dựng quy mô, khang trang hơn, trở thành đền Tả Phủ (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn). Di tích được xếp hạng Quốc gia năm 1993. Công lao mở chợ của ông đã được khắc ghi trang trọng trong đôi câu đối tại đây để lưu truyền mãi mãi:

“Lịch sử lưu danh truyền hậu thế

Thương trường khai thị Hán Quận Công

(Lịch sử danh thơm truyền hậu thế Kỳ Lừa mở chợ Hán Quận công)

Kể từ đó, phố chợ Kỳ Lừa ngày càng phát triển, trở thành một đô thị phồn hoa, sầm uất ở vùng biên giới phía Bắc Tổ quốc bên cạnh phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam)… Năm 1758, khi công cán đến Lạng Sơn, Nguyễn Nghiễm – vị quan Tể tướng nhà Lê đã rất ấn tượng với cảnh phố phường ở đây:“Phố Khâu Lư thuộc châu Thoát Lãng, phố xá nối nhau, thổ dân và người Trung Quốc ở lẫn với nhau, phố có chợ mỗi tháng 6 phiên, buôn bán mọi thứ hàng hoá (Lạng Sơn Đoàn Thành đồ). Một số tư liệu như chuông chùa Thành (đúc năm 1697), bia cầu đá Kỳ Lừa (năm 1724) cho thấy cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII người Hoa đến trấn lỵ Lạng Sơn cư trú, làm ăn buôn bán đã tạo thành một cộng đồng dân cư đông đúc. Phố chợ Kỳ Lừa đông vui tấp nập đã trở thành một thắng cảnh đi vào bài ca dao cổ “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa…”, được quan Đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ (thời kỳ 1777-1780) tôn vinh là một trong tám cảnh đẹp của trấn lỵ Lạng Sơn. Đây là điểm dừng chân vãn cảnh phố phường, thăm thú nét độc đáo của phố chợ nơi miền biên ải của sứ giả hai nước Việt – Trung. Có thể nói, Thân Công Tài đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, phồn thịnh của đô thị Trung đại Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII.

Quá trình sinh sống lâu đời ở phố chợ, các dân tộc anh em: Tày, Nùng, Kinh, Hoa đã sáng tạo nên nhiều loại hình di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất phong phú, đặc sắc, mang đậm dấu ấn giao thoa mạnh mẽ giữa các tộc người. Đó là những tinh tuý ẩm thực với những món ăn truyền thống hấp dẫn du khách: lợn quay, vịt quay, phở chua, bánh áp chao, cao xằng… Các công trình tín ngưỡng của cư dân phố chợ (đền, miếu) mọc lên để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân như: miến Thổ Công, đền Tả Phủ, đền Mới thờ Thánh Mẫu, đền Quan Thánh, đền Bắc Đế, Hội quán Kỳ Lừa… Cứ mỗi độ xuân về, từ 22 đến 27 tháng Giêng Kỳ Lừa lại mở hội tưng bừng để tưởng nhớ công ơn của người đã lập nên phố chợ với những với các nghi thức cúng tế, diễn diễu, các trò chơi dân gian đặc sắc như: rước kiệu quan lớn Tuần Tranh, múa sư tử, cướp đầu pháo… Cư dân phố chợ tạ ơn vị “tổ nghề” đã phù hộ cho họ một năm làm ăn phát đạt và cầu chúc năm mới an khang, may mắn, thịnh vượng sẽ đến. Trai gái Tày, Nùng ở các bản gần xa nô nức về dự hội, hát giao duyên tạo nên vẻ độc đáo, mang đậm sắc thái vùng cao ở chợ phiên Kỳ Lừa. Trải qua thời gian, đô thị Lạng Sơn đã không suy tàn như nhiều nơi khác mà vẫn trường tồn, ngày càng phát triển. Phố chợ Kỳ Lừa giữ vai trò là trung tâm kinh tế qua nhiều thế kỷ, nằm trong vùng lõi của văn hoá Lạng Sơn. Những mùa xuân ấm áp, chan chứa niềm vui của ấm no, hạnh phúc vẫn nối tiếp nhau, thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, thưởng ngoạn. Với vai trò kiến tạo, Tả Đô đốc, Hán Quận công Thân Công Tài thật xứng đáng được tôn vinh là người đã đem những ‘mùa xuân” tươi đẹp về cho phố chợ Kỳ Lừa.

CHU QUẾ NGÂN