Thứ sáu,  20/09/2024

Giải Cánh diều: Chờ một mùa giải uy tín, chất lượng

Lùi lại một tháng để kịp thời hạn cho nhiều phim ra rạp, giải Cánh diều năm nay thu hút một số lượng phim không nhiều: 13 phim truyện điện ảnh so với 39 phim ra rạp trong năm 2017. Nhiều đạo diễn đã từ chối tham gia khi Ban tổ chức giải mời gửi phim.

Khó mời phim tham dự

Ban tổ chức giải cho biết, theo thông lệ, hằng năm giải Cánh diều diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam 15-3, vừa là dịp tôn vinh những người làm trong nghề, vừa là dịp kỷ niệm, tưởng nhớ và ôn lại lịch sử tự hào của ngành điện ảnh. Tuy nhiên, năm nay lễ trao giải chậm hơn thông thường một tháng, để một số nhà sản xuất kịp đưa phim của mình ra rạp trước khi tham gia tranh giải. Tuy nhiên, khi Ban tổ chức gọi mời, thì không có nhiều nhà sản xuất hưởng ứng. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, Ban tổ chức đã gọi điện mời nhiều đạo diễn, nhà sản xuất cả nhà nước lẫn tư nhân nhưng họ từ chối, có người nói rằng phim của họ chỉ là phim thương mại, để chiếu rạp bán vé, chưa đủ điều kiện để tham gia tranh giải. Có người chỉ dự thi khi tự tin phim của mình có khả năng đoạt giải”.

Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, có nhiều lý do khi các nhà sản xuất, đạo diễn e dè khi tham dự giải. Có thể họ chưa tự tin vào khả năng giành giải của phim. Cũng có thể họ sợ rằng nếu phim không giành được giải thì khả năng thu hút khán giả ngoài rạp không cao.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn một trong những thực tế rằng, sau một vài năm tổ chức có nhiều sạn, phim thảm họa “đổ bộ” giải Cánh diều, thì uy tín và chất lượng của giải khó có thể cao được. Đó cũng có thể là một trong những lý do mà nhiều đạo diễn, nhà sản xuất quay lưng lại với giải. Để khắc phục được điều này, không còn cách nào khác là phải tự nâng cao chất lượng và uy tín của giải thưởng.

Nhưng dường như số lượng phim ít ỏi năm nay lại có vẻ tỷ lệ thuận với chất lượng phim, theo nhận xét của chính những người tham gia chấm giải ở thể loại phim truyện điện ảnh.

Chất lượng phim không đồng đều

NSƯT, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Trưởng Ban giám khảo trong báo cáo tổng kết phim truyện điện ảnh sau ba ngày chấm giải cho biết, chất lượng phim không đồng đều, phim hay và phim dự giải chất lượng cách xa nhau, có phim bám sát được tiêu chí của giải thưởng về nghệ thuật, tính nhân văn và tính dân tộc và giá trị xã hội tích cực. Nhưng cũng có phim chẳng thể hiện được tiêu chí nào cả. Đông đảo nhất vẫn là những phim được tiêu chí này nhưng lại thiếu hoặc yếu trong các tiêu chí khác.

Vẫn chưa xuất hiện những bộ phim nói về những vấn đề quan trọng, bức thiết của cuộc sống, của con ngườiì Việt Nam, vẫn thiếu những hình mẫu nhân vật có sức vóc cả về thể chất lẫn tinh thần, thực hiện những công việc, nhiệm vụ mang tính xã hội, hoặc mang tính triết lý xã hội sâu sắc. “Chúng tôi vẫn đang mong chờ những bộ phim như thế” – Trưởng Ban giám khảo chia sẻ.

Về mặt nghiệp vụ, đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho biết, nhiều phim bố cục còn rối, ôm đồm nhiều tuyến chuyện, nhiều nhân vật làm phim khó theo dõi. “Khi ngồi xem có anh ngồi cạnh tôi cứ hỏi liên tục tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia vì không hiểu câu chuyện đang đi về đâu, nhân vật ở đâu ra” – đạo diễn kể lại. Ông cũng cho biết, nhiều phim làm bị giả, áp đặt cốt truyện, tình huống, diễn xuất cường điệu theo kiểu sân khấu, lời thoại đao to búa lớn, hóa trang không phù hợp, phục trang đạo cụ không đúng với nhân vật, không đúng với thời gian, không gian của bộ phim và tạo ra cảm giác giả từ đầu đến cuối bộ phim, làm mất niềm tin của khán giả vào bộ phim.

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, một thành viên Ban giám khảo phim truyện chỉ mô tả ngắn gọn: “Ba ngày xem phim của Ban giám khảo thì hai ngày là “thảm họa”, may mà còn có ngày cuối cùng kéo lại. Chỉ có một phần ba số phim dự giải là xem được, nhưng cả số đó cũng vẫn đem lại cho giám khảo một cảm giác hoàn chỉnh”. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nhấn mạnh: “Cách xây dựng kịch bản, cách kể chuyện đều rất tồi. Hoàn toàn thiếu vắng hình ảnh đời sống Việt Nam trong phim…”

Một thành viên Ban giám khảo khác là đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chia sẻ: “Tôi thấy phim dự thi năm nay đem lại ấn tượng mạnh cho tôi về sự hung dữ trong cảm xúc, tư duy, trong cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề”. Đạo diễn cũng nhấn mạnh đến việc thiếu đi bản sắc văn hóa, con người Việt Nam, sự tinh tế của tâm hồn Việt trong phim.

Điện ảnh Việt trong hai năm trở lại đây được đánh giá là có sự tiến bộ rõ rệt với những tác phẩm có sự sáng tạo, có giá trị nhân văn, đem đến hơi thở mới cho không khí điện ảnh vốn trước đây trầm lắng và khó khăn trong tìm lối đi riêng. Tuy nhiên với một giải thưởng điện ảnh lớn nhất trong năm, việc thu hút, đánh giá đúng những tác phẩm như vậy để song hành và thúc đẩy một nền điện ảnh tiến lên là điều vô cùng cần thiết. Khán giả và những người yêu điện ảnh lại tiếp tục mong chờ một mùa giải mới mà Cánh diều thực sự chứng tỏ được uy tín và chất lượng đúng như vai trò của mình.

Theo Nhandan