Thứ sáu,  20/09/2024
Hút thuốc lá nơi công cộng:

Cấm cứ cấm, hút vẫn hút

LSO-Luật phòng chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Mặc dù đã thực hiện hơn 5 năm nhưng thói quen hút thuốc lá nơi công cộng như: bến xe, bệnh viện, công viên, nơi tập trung đông người… vẫn chưa được thay đổi.


Đoàn viên thanh niên thành phố Lạng Sơn tham gia mít tinh
hưởng ứng tuần lễ quốc gia không khói thuốc năm 2018 và ngày
thế giới không hút thuốc lá 31/5 

Chỉ cần dạo một vòng và ngắm nhìn hàng quán hai bên đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân thản nhiên nhả khói thuốc lá, bất kể xung quanh có nhiều người, thậm chí có cả phụ nữ và trẻ em mà không có ai nhắc nhở, xử phạt. Chị Hoàng Thị Bông ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Khi đưa 2 con đi chơi, uống nước, nhìn thấy ai hút thuốc là tôi lại kéo con ra chỗ khác hoặc nhanh chóng trả tiền rồi về. Tôi thấy họ hút thản nhiên lắm, không bị ai nhắc nhở cả”.

Hình ảnh thường thấy ở nhiều quán ăn là nam thanh niên, thậm chí trung niên, người cao tuổi hút thuốc mà không bị ai nhắc nhở. Không chỉ vậy, các “thượng đế” còn phì phèo thuốc lá tại các quán cà phê, bất chấp cái nhìn khó chịu của người xung quanh; nếu có được người khác nhắc thì họ cũng lảng ra chỗ khác hút tiếp chứ không tắt thuốc.

Không riêng gì hàng quán, các địa điểm công cộng khác như: công viên, nhà xe, bệnh viện, nơi làm việc… hành vi hút thuốc vẫn diễn ra thường xuyên. Anh Đỗ Minh Tuấn ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Em hút thuốc được 10 năm rồi, biết là độc hại, biết là bị cấm hút thuốc nhưng không thấy ai bị xử phạt, khi hút cũng chẳng bị nhắc nhở nên mình cứ hút thôi”.


Thanh niên vô tư hút thuốc lá ở quán nước vỉa hè
thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan

Hiện nay, việc cấm hút thuốc lá vẫn chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, chứ việc xử phạt rất khó thực hiện. Thực tế là từ khi luật ra đời đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt hành chính. Bởi thẩm quyền xử phạt theo quy định là của các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương tới địa phương, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an và UBND các cấp. Ngành chức năng thiếu lực lượng chuyên trách, trong khi đó hành vi hút thuốc lại quá phổ biến nên không quản lý hết được.

Thực tế, đối với những nơi như: bệnh viện, công sở, trường học, trạm xăng… đã và đang nỗ lực “cấm hút thuốc lá” như: treo biển cấm, treo biển mức xử phạt nếu vi phạm theo quy định, đưa việc không hút thuốc lá vào nội quy, quy chế của đơn vị hoặc giao trách nhiệm cho lực lượng bảo vệ cơ quan, đơn vị nhắc nhở, mời người hút thuốc ra ngoài khu vực cấm… Song đến bây giờ, việc hạn chế khói thuốc lá ở nơi công cộng vẫn phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người hút thuốc.

Ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khói thuốc là nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh nguy hiểm cho cả người hút và người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, ung thư phổi… có liên quan đến tác hại của thuốc lá. Trong đó có nhiều người đã tử vong do sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là mỗi người tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tránh xa thuốc lá.

Thiết nghĩ, trước mắt cần có thái độ kiên quyết, nhắc nhở các trường hợp hút thuốc lá tại nơi công cộng. Về lâu dài, ngành chức năng cần được giao trách nhiệm xử phạt linh hoạt hơn, nếu không 5 năm, 10 năm, thậm chí nhiều năm hơn thế thì quy định cấm hút thuốc lá vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy.

THANH HÒA