Thứ sáu,  20/09/2024

Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn

LSO- Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn (CBCĐ) là một trong những nhiệm vụ  quan trọng của tổ chức công đoàn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Tháng 12/2012, anh Nguyễn Văn Kiên, cán bộ quản lý giám sát của HTX Đồng Tâm (huyện Cao Lộc) được đoàn viên, công nhân, lao động bầu giữ chức danh Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS). Ban đầu, chưa nắm bắt được công việc nên anh Kiên còn nhiều lúng túng khi triển khai các hoạt động. Năm 2012, 2013, CĐCS HTX chỉ xếp loại khá. Sau khi tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn, anh đã có kiến thức cơ bản và chủ động trong các hoạt động. Từ năm 2014 đến nay, CĐCS HTX Đồng Tâm liên tục đạt vững mạnh.

Anh Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch CĐCS HTX Đồng Tâm chia sẻ: Tham gia tập huấn, tôi hiểu hơn về vai trò, chức năng của công đoàn cũng như cách thức, phương pháp tổ chức hoạt động sao cho hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc, tôi được cán bộ công đoàn cấp trên hướng dẫn tận tình. Nhờ đó, Ban Chấp hành CĐCS HTX đã triển khai tốt các hoạt động, thu hút đông người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn. Số lượng đoàn viên công đoàn tăng từ 10 (năm 2012) lên 38 đoàn viên (năm 2018).

Toàn tỉnh hiện có 8.343 CBCĐ, trong đó có 74 CBCĐ chuyên trách và 8.269 CBCĐ không chuyên trách (kiêm nhiệm). Với CBCĐ không chuyên trách, các cấp công đoàn thường xuyên quan tâm làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp hoạt động cho CBCĐ. Đặc biệt, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã ban hành Chương trình số 104/CTr-LĐLĐ ngày 29/11/2013 về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của CBCĐ”, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cấp công đoàn, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.

Cán bộ công đoàn cơ sở các doanh nghiệp tham dự tập huấn nghiệp vụ do LĐLĐ tỉnh tổ chức

Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch LĐLĐ huyện Chi Lăng cho biết: Chi Lăng hiện có 366 CBCĐ, trong đó có 363 cán bộ không chuyên trách ở 117 cơ quan, đơn vị và 4 doanh nghiệp. Để đội ngũ CBCĐ hoạt động có hiệu quả, LĐLĐ huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho CBCĐ. Trong quá trình hoạt động, LĐLĐ huyện quan tâm đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn kịp thời. Nhờ đó, các CBCĐ nhanh chóng nắm bắt được công việc và triển khai hoạt động có hiệu quả.

Cùng với LĐLĐ huyện Chi Lăng, LĐLĐ các huyện, thành phố và công đoàn ngành đã cụ thể hóa chương trình của LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn đã xây dựng kế hoạch thực hiện, dành kinh phí tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho cán bộ. Nội dung bồi dưỡng cho CBCĐ là các vấn đề về chính sách, chế độ đối với người lao động, nghiệp vụ tổ chức, kiểm tra, nữ công, tuyên giáo của công đoàn. …

Từ năm 2013 đến nay, các cấp công đoàn đã tổ chức được 85 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 8.069 lượt CBCĐ với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Mặt khác, LĐLĐ tỉnh đã cử 25 CBCĐ tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức. Kết quả, 100% CBCĐ chuyên trách và 70% CBCĐ không chuyên trách đã được bồi dưỡng tập huấn về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn (đạt chỉ tiêu đề ra). Nhờ đó, chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn ngày được nâng cao (cuối năm 2017, toàn tỉnh có 1.238 CĐCS vững mạnh, đạt 85,4%, tăng 8,8% so với năm 2013).

Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Ban Tổ chức, LĐLĐ tỉnh cho biết: Trong nhiệm kỳ 2018-2023, toàn tỉnh có hơn 3.500 CBCĐ lần đầu tham gia vào ban  chấp hành công đoàn các cấp. Vì thế, công việc đầu tiên sau Đại hội Công đoàn tỉnh là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ CBCĐ mới để họ hiểu, tổ chức tốt các phong trào thi đua và thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

NGỌC HIẾU