Thứ năm,  19/09/2024

Hiểm họa từ người tâm thần gây án

LSO- Điều khiển phương tiện giao thông gây náo loạn, truy sát, hành hung tước đi mạng sống người khác… là những vụ án do người tâm thần gây ra trong thời gian qua, gây rúng động, hoang mang trong dư luận.

Cho đến nay, nhiều người còn bị ám ảnh về vụ việc xảy ra ngày 1/2/2017 tại thôn Pá Tặp, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng. Đối tượng Vi Văn Hưng, sinh năm 1983 đã dùng gạch, đá, điếu cày đập vào người khiến bà Vũ Thị Lộc (mẹ đẻ của Hưng) và bà Vũ Thị Thanh (dì ruột của Hưng) tử vong. Quá trình điều tra, Vi Văn Hưng có biểu hiện của người mắc bệnh tâm thần.

Gần đây nhất, ngày 9/6/2018, tại thôn Non Hương, xã Hòa Bình, huyện Hữu Lũng cũng xảy ra sự việc gây chấn động, hoang mang trong dư luận. Đối tượng Hứa Thị Thủy, sinh năm 1990 đã dùng giẻ nhét vào mồm và bóp cổ cháu Hoàng Thế Luân, sinh năm 2015 đến chết. Không thấy con đâu, mẹ cháu Luân đi tìm cũng bị Thủy dùng dao thái chuối chém vào mang tai. Theo tìm hiểu, trước khi gây án khoảng 1 tuần, Thủy đi nạo phá thai, từ đó Thủy có biểu hiện trầm cảm, không tỉnh táo.

Ngoài 2 vụ việc trên, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 37 vụ án do người mắc bệnh tâm thần hoặc có biểu hiện tâm thần gây ra. Trong đó, số vụ về tội danh giết người chiếm tỷ lệ cao nhất, với 66,6%; tiếp theo là gây thương tích, cướp của, hủy hoại tài sản, hiếp dâm. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trong số 7 vụ án mạng thì có 3 vụ do người tâm thần gây ra. Những vụ án này gây xôn xao, tâm lý bất an trong quần chúng nhân dân.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.  Ảnh: Ngọc Hiếu

Trung tá Nông Văn Tư, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Hiện toàn tỉnh có hơn 2.800 đối tượng mắc bệnh tâm thần, động kinh có hồ sơ quản lý. Trong đó có 1.606 trường hợp mắc bệnh tâm thần. Một số người mắc bệnh tâm thần, động kinh đã được khám, chữa và cấp phát thuốc điều trị tại các cơ sở y tế; còn lại đa số không được chăm sóc, chữa trị tập trung, mà đang sinh sống ở các khu dân cư. Đó là còn chưa kể những người có biểu hiện tâm thần chưa được khám, điều trị và có hồ sơ quản lý tại cơ sở. Những trường hợp này có nguy cơ phạm tội cao nếu không có sự quan tâm đúng mức của gia đình và chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, hầu hết những vụ án do người tâm thần gây ra đều là án đặc biệt nghiêm trọng.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự, người mắc bệnh tâm thần, loạn thần do nhiều nguyên nhân, có thể bị tai nạn, chấn thương sọ não, hoặc lạm dụng các chất kích thích gây ảnh hưởng hệ thần kinh, sang chấn về mặt tâm lý, trầm cảm… Hiện nay, hầu hết bệnh nhân tâm thần trên địa tỉnh đều sống chung với gia đình hoặc lang thang ngoài xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc người dân hằng ngày luôn nơm nớp lo sợ trước những hiểm họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Để phòng ngừa tình trạng trên, Công an tỉnh đã tham mưu, đề xuất và thực hiện các phương án như: đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về tính chất nguy hiểm của các hành vi lệch chuẩn, mất kiểm soát do người tâm thần, loạn thần gây ra. Tiếp tục rà soát, lên danh sách và phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý số người mắc bệnh tâm thần; không để họ tiếp xúc với những công cụ có khả năng gây sát thương, tránh những hành vi, lời nói làm họ kích động. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là các gia đình cần chủ động đưa người bệnh đi điều trị kịp thời, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện nay, Lạng Sơn mới chỉ có cơ sở khám bệnh chứ chưa có cơ sở chuyên khoa điều trị đối với bệnh nhân tâm thần nên công tác chăm sóc, điều trị, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Trong tháng 4/2018, Công an tỉnh đã đề xuất với UBND tỉnh phương án xây dựng cơ sở chữa bệnh tâm thần trên địa bàn. Ngày 21/5/2018, Văn phòng UBND tỉnh đã có công văn số 1794 thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét đề xuất này, góp phần phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật do người tâm thần, loạn thần gây ra.
HOÀNG HUẤN