Cần Thơ sẽ di dời các hộ dân sống ở các cơ sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao  – Ảnh: PC

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, từ năm 2010 – 2017, toàn TP Cần Thơ có 153 điểm sạt lở, với tổng chiều dài bờ sông bị cuốn trôi là hơn 6,1 km. Ước tổng thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng, đặc biệt có 4 người chết và 5 người bị thương.

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2018, Cần Thơ xảy ra tới 16 vụ sạt lở, làm sạt hoàn toàn và hư hại 53 căn nhà, ước thiệt hại 33,6 tỉ đồng…

Diễn biến sạt lở bờ sông tại Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng, tăng cả về cường độ và số lượng, đặc biệt là các đoạn sông, kênh rạch chảy qua các khu đông dân cư, các nơi có mật độ giao thông thủy lớn; những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều…

Để giải quyết tình trạng trên, tại cuộc họp với các sở, ngành mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng giải pháp cấp thiết nhất, bền vững nhất là chủ động di dời dân ra khỏi vùng sạt lở; không cho xây dựng thêm nhà ven sông; tiến tới sẽ di dời toàn bộ nhà ở ven sông vào các khu tái định cư để ổn định đời sống người dân.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị, các địa phương phải làm nghiêm túc, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng người dân tiếp tục xây dựng nhà sát sông thì trước hết Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm; Chủ tịch quận, huyện cũng chịu trách nhiệm theo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết, theo quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, TP Cần Thơ sẽ sắp xếp, bố trí ổn định nơi ở, tạo điều kiện sinh sống tốt hơn cho 9.353 hộ với 37.306 nhân khẩu.

Theo đó, tổng vốn thực hiện quy hoạch ước tính 555 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 2018 – 2020 thực hiện bố trí ổn định cho 5.309 hộ, bằng cách di dời đến các cụm dân cư tập trung, xen vào tuyến dân cư trên địa bàn và ổn định tại chỗ…

Cùng với công tác di dời dân cư ở các vùng sạt lở, có nguy cơ sạt lở, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, TP Cần Thơ sẽ đầu tư xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ với tổng chiều dài khoảng 22 km, tổng mức đầu tư hơn 2.441 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung kinh phí để Cần Thơ thực hiện 2 dự án chống sạt lở, gồm: dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn (khu vực Thới Lợi, phường Thới An A) và dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn, đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng, gia cố các vị trí sạt lở bằng các biện pháp dân gian như sử dụng cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá. Đồng thời thực hiện thí điểm trồng cây bần chống sạt lở trên các tuyến sông, kênh rạch…/.