Thứ hai,  08/07/2024

Xây dựng môi trường văn hóa giao thông đường sắt đô thị

Sau nhiều lần gia hạn, cuối cùng hệ thống vận tải đường sắt đô thị 2A (Cát Linh – Hà Đông) ở Thủ đô Hà Nội, mà người dân quen gọi là đường sắt trên cao, đã vận hành thử, bước đầu suôn sẻ, được dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian vận hành thử dự kiến từ ba đến sáu tháng và nếu đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt thì sẽ chính thức đi vào hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Có nghĩa, lần đầu tiên ở Việt Nam, một tuyến đường sắt đô thị tiên tiến hiện đại sẽ chính thức hoạt động.

Cả tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13,1 km, có 12 ga và 13 đoàn tàu, trong đó 10 đoàn tàu vận hành thường xuyên, hai đoàn tàu bảo dưỡng định kỳ và một đoàn tàu dự phòng. Mỗi đoàn tàu có bốn toa, chiều dài khoảng 80 mét, sức chứa 1.000 hành khách/lượt, năng lực vận chuyển toàn tuyến ước tính gần 200 nghìn lượt hành khách/ngày. Chắc chắn tuyến vận tải này bước đầu sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía tây Thủ đô, mang lại một diện mạo mới cho giao thông đô thị Hà Nội. Nhưng quan trọng hơn, sẽ tạo ra thói quen và nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, từng bước giải quyết tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và rất nhiều hệ lụy khác lâu nay đang là nỗi nhức nhối với người thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui, thì vẫn còn vô số công việc ngổn ngang cần giải quyết đồng bộ trước khi tàu chạy. Lãnh đạo Hà Nội Metro cho biết, họ luôn ý thức rằng, đây là phương thức vận tải công cộng hoàn toàn mới ở Việt Nam nên việc vận hành hệ thống phải được tiến hành thận trọng, khoa học, phù hợp các điều kiện kinh tế – xã hội, thói quen, tâm lý, hành vi của người sử dụng thì mới thành công.

Hành vi quan trọng nhất trong giao thông tiện lợi, an toàn và hiệu quả, chính là hành vi văn hóa của người tham gia giao thông, nhất là với một loại hình vận tải công cộng khối lớn hoàn toàn mới ở nước ta. Để việc vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị A2 thành công, một trong những yếu tố mang tính quyết định là ngay từ đầu, phải chủ động xây dựng môi trường văn hóa giao thông chuẩn mực, thậm chí trước khi tuyến đường chính thức đi vào hoạt động. Vì đây là loại hình vận tải hoàn toàn mới nên cần có bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông, phát đại trà cho người dân; hình thức gọn nhẹ, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận. Trong trường học nên lồng ghép nội dung này vào các tiết học vì các em học sinh, sinh viên theo kinh nghiệm của nước ngoài, là đối tượng thường xuyên sử dụng loại phương tiện này.

Mỗi nhà ga nên đặt tên riêng, tạo hình mỹ thuật đẹp, ghi những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử, văn hóa Thăng Long, thể hiện niềm tự hào của người dân Thủ đô và thu hút khách ngoại tỉnh. Những dịch vụ tại khu vực nhà ga phải văn minh, sạch sẽ, tiện lợi. Các nhân viên vận hành từ bán vé, tạp vụ, bảo vệ đến người trực tiếp điều khiển con tàu phải là những người đồng hành lịch sự và tận tụy với khách đi tàu. Đơn vị vận hành tuyến đường cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng trong việc tích hợp những loại hình giao thông khác như ô-tô, xe buýt và mở các điểm gửi xe cá nhân, tạo sự thuận lợi tối đa cho hành khách.

Người tham gia giao thông, những chủ thể của vận tải đường sắt đô thị cần nâng cao ý thức chấp hành quy định vận hành cũng như có hành vi ứng xử phù hợp với loại hình vận tải mới này. Có như vậy, chúng ta mới cùng nhau tạo dựng môi trường văn hóa giao thông đường sắt đô thị lành mạnh, an toàn, đạt được kỳ vọng là Thủ đô Hà Nội sẽ có một diện mạo giao thông mới, vừa tiện lợi lại vừa hấp dẫn.

Theo Nhandan