Thứ hai,  08/07/2024

Bế mạc Diễn đàn Hà Nội 2018

Diễn đàn Hà Nội đã thành công tốt đẹp, thông qua các Diễn đàn đã nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, đề xuất chính sách, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, giúp các quốc gia ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu bế mạc Diễn đàn Hà Nội 2018. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Tối 10/11, Diễn đàn Hà Nội 2018 đã bế mạc tại khách sạn Marriott, Hà Nội. Trong 2 ngày làm việc, Diễn đàn Hà Nội 2018 đã tổ chức 5 phiên thảo luận về các vấn đề: Bằng chứng về biến đổi khí hậu và an ninh. Tác động của con người lên biến đổi khí hậu. Ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính sách và quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Diễn đàn Hà Nội 2018 còn diễn ra 2 phiên đối thoại chính sách về phát triển đô thị chống chịu, an toàn và bền vững ở vùng Đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại phiên đối thoại chính sách vùng Đồng bằng sông Hồng, các nhà khoa học đã thảo luận về khả năng chống chịu của khu vực này trước tác động của ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, dễ bị ảnh hưởng do tai biến địa chất từ hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, khai thác nước ngầm, nước mặt…

Có nhiều giải pháp và khuyến nghị đề xuất các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng tiếp tục cải thiện sinh kế của người dân, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, hạn chế phát triển ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát hoạt động khai thác nước ngầm; nâng cao khả năng ứng phó, chống chịu với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển các mô hình ứng phó thông minh…

Bên lề phiên đối thoại chính sách vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu tác động rất mạnh đến tài nguyên nước, nhiệt độ nóng lên, nước bay hơi và giảm đi. Và các hoạt động kinh tế, xã hội của chủng ta hiện nay làm cho ô nhiễm nước mặt và nhiễm sâu ở các hồ, ao… Tài nguyên nước đã bị suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì thế, việc bảo tồn tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu là việc hết sức quan trọng. Chính vì vậy, theo các chuyên gia một mặt nhà nước cần có những chủ trương sử dụng hợp lý để bảo tồn tài nguyên nước, với người dân thì phải có ý thức sử dụng tiết kiệm, hợp lý. Chúng ta cũng phải hài hoà giữa sử dụng và bảo tồn nguồn nước. Cũng cần phải có cách trữ nước, ví dụ như mùa mưa bão, nước mưa xuống và biến mất, chúng ta giờ mới có những hồ trữ nước có dung lượng chưa cao và còn rất ít.

Nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với sự cạn kiệt và xâm ngập mặn. Chúng ta phải có những giải pháp để ngăn chặn xâm ngập mặn. Vừa rồi, chúng ta đã đánh giá tác động của dự án ngăn chặn xâm ngập mặt ở Sông Cái lớn và Sông Cái bé. Hệ thống này sẽ khống chế được độ mặn của lưu vực sông. Tại nơi nào hệ sinh thái vẫn trồng lúa được sẽ tiếp tục trồng, còn chỗ nào độ mặn vẫn phù hợp thì sẽ nuôi thuỷ sản. Đó là giải pháp phù hợp.
Phát biểu tại phiên bế mạc Diễn đàn Hà Nội 2018, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh Diễn đàn đã thành công tốt đẹp, các kết quả nghiên cứu, những thông điệp từ Diễn đàn sẽ góp nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, đề xuất chính sách, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, giúp các quốc gia ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn sẽ tiếp tục được ủng hộ và tiếp tục hợp tác với các trường đại học trên thế giới, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới nghiên cứu các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu với mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và toàn thế giới.
Theo baochinhphu