Thứ năm,  19/09/2024

Xóa rào cản, thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động

Những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng cường khung pháp lý và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội (ASXH), khả năng tiếp cận dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt nhiều thách thức khi chính sách ASXH và các dịch vụ công chưa phản ánh đúng nhu cầu của họ. Đáng chú ý là phần lớn lao động nữ đang làm việc trong các khu vực phi chính thức, khiến họ bị tước đi khả năng tiếp cận các chính sách ASXH…

Xóa rào cản, thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động

Thu hoạch ớt tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội

 

Nhiều rào cản phụ nữ tham gia thị trường lao động

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong thời gian qua, công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2018, trong số những người được tạo việc làm mới thì lao động nữ chiếm 48%. Số lượng lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, được hỗ trợ việc làm trong nước liên tục tăng. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ là 1,85%, thấp hơn so với lao động nam. Các mô hình hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ ở khu vực nông thôn, miền núi, lao động nữ di cư tiếp tục phát huy hiệu quả. Tỷ lệ phụ nữ tại Việt Nam tham gia lực lượng lao động cũng luôn ở mức cao, khoảng 71,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%.

Tại tọa đàm “Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, một trong những nội dung quan trọng của ASXH là thúc đẩy việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động. Thị trường lao động đã có bước phát triển đáng kể, thu hút nhiều lao động nữ tham gia. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật, chính sách vẫn còn điểm bất cập, chưa hoàn thiện; chất lượng việc làm còn thấp. Hiện nay, lao động nữ chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, năng suất thấp với điều kiện lao động kém, thu nhập không ổn định. Thu nhập của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Hệ thống chính sách hỗ trợ lao động nữ di chuyển đến các khu công nghiệp, khu đô thị còn thiếu. Một số quy định còn hạn chế khả năng tiếp cận của người di cư, trong đó có lao động nữ di cư đối với các dịch vụ xã hội cơ bản tại các đô thị. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là quấy rối tình dục tại nơi làm việc vẫn tiếp tục diễn ra…

Một khảo sát của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) cho thấy, tại Việt Nam luồng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị có xu hướng gia tăng nhanh, trong đó tỷ lệ lao động nữ di cư đang tăng dần theo các năm; phần lớn lao động nữ di cư làm việc trong các khu vực phi chính thức, hoặc có nguy cơ bị “phi chính thức hóa” do không có hợp đồng lao động. Đặc biệt, việc làm bấp bênh, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến lao động nữ làm việc trong các nhà máy cũng là đối tượng dễ mất việc làm…

Do chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc chỉ áp dụng đối với người lao động có hợp đồng lao động, nên hầu hết lao động phi chính thức (trong đó phần lớn là nữ) không được tiếp cận chính sách này. Tỷ lệ lao động phi chính thức không có BHXH lên tới 97,9% và chỉ có khoảng 2% đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Hiện chính sách BHXH tự nguyện cũng chưa hấp dẫn lao động di cư, khi thời gian đóng dài và chưa có các chế độ ngắn hạn như ốm đau, tai nạn, thai sản (trong khi lao động nữ rất cần các chế độ này). Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế cũng gặp nhiều khó khăn, có đến gần 90% lao động di cư (trong đó đa số là nữ) khu vực phi chính thức không tham gia BHYT… Từ kinh nghiệm hỗ trợ lao động nữ di cư, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng Nguyễn Thu Giang cho rằng, hiện nay chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn lao động nữ di cư, nên rất khó mở rộng diện bao phủ đến đối tượng này. Bà đề nghị, để phụ nữ tham gia sâu hơn vào thị trường lao động, chính sách BHXH tự nguyện đối với nhóm lao động di cư cần được bổ sung cho phù hợp.

Mở rộng cơ hội tiếp cận, tăng cường ASXH

Bà Ê.Phéc-nan-đéc, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tham gia Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau từ năm 1997. Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Bộ luật Lao động (năm 2012) đều nhất quán mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao hàm cả yếu tố cơ hội việc làm. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; đồng thời thúc đẩy phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.

Do đó, việc đầu tư vào hệ thống an sinh, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững phải được xem là nội dung thiết yếu để giải phóng thời gian của phụ nữ, hỗ trợ việc di chuyển của họ, tăng cường việc tiếp cận các cơ hội giáo dục, y tế, kinh tế, tăng khả năng “chống chọi” với những khó khăn trong cuộc sống cho phụ nữ.

Để tăng cường ASXH và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động, theo Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đào Quang Vinh, cần sửa đổi Bộ luật Lao động để bảo đảm bình đẳng về cơ hội trên thị trường lao động cho cả nam và nữ, trong đó biện pháp toàn diện nhất là tiến hành lồng ghép giới đầy đủ và toàn diện trong toàn bộ Bộ luật Lao động. Nhất là xóa bỏ định kiến giới trong thị trường lao động (công việc phù hợp với nam, với nữ); khuyến khích đào tạo nghề nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ trong các lĩnh vực nam giới vẫn đang chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lao động nữ (trung tuổi, dân tộc thiểu số) nâng cao chất lượng việc làm trong nông nghiệp, hỗ trợ lao động nữ dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn kỹ thuật được chuyển dịch việc làm ra khỏi khu vực nông nghiệp truyền thống…

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, nhằm bảo đảm công bằng cho lao động nữ, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã dành một chương riêng quy định các vấn đề liên quan lao động nữ. Dự thảo đề xuất các phương án về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động. Trong một số trường hợp, lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Với người sử dụng lao động, họ không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người nghỉ việc theo chế độ thai sản, cũng không được bố trí làm việc ban đêm, làm thêm giờ…

Theo Nhandan