Thứ sáu,  20/09/2024

Nhọc nhằn công nhân xây dựng

LSO-Thường xuyên phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, rủi ro và khắc nghiệt, nhưng hàng vạn công nhân xây dựng đang làm việc khắp các công trình trên địa bàn tỉnh vẫn âm thầm chịu đựng, bởi nghề xây dựng đã gắn với cuộc sống hằng ngày của họ.


Công nhân xây dựng thi công dự án trường học tại xã Mai Pha,
thành phố Lạng Sơn

Hai vợ chồng ông Lộc Văn Sơn, sinh năm 1966 và bà Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1969, trú tại thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn đã có thâm niên gần 30 năm làm nghề thợ xây dựng. Nhưng hai vợ chồng vẫn sống trong căn nhà cấp 4 sập xệ, đồ đạc trong gia đình không có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy do Trung Quốc sản xuất là phương tiện đi làm hằng ngày của hai vợ chồng.

Anh Sơn là người gốc xã Mai Pha, do hoàn cảnh gia đình không có điều kiện học hành, năm 1990, anh theo đám thanh niên đồng lứa trong làng đi làm phu hồ kiếm tiền mưu sinh. Nghề xây dựng gắn bó với cuộc sống của anh từ đó đến nay.

Anh Sơn cho biết: Nhà có 4 miệng ăn, hai vợ chồng đi làm thợ xây dựng cho các cai thầu xây dựng, làm đều hai vợ chồng một tháng cũng được khoảng 50 công, mỗi ngày công được trả khoảng 250 nghìn đồng, chi tiêu tằn tiện, số tiền công cũng đủ sinh hoạt ở mức trung bình. Nhưng cái nghề này cũng lắm gian nan, đâu phải cứ đi làm là được cai thầu trả công sòng phẳng. Năm 2017, hai vợ chồng anh đi làm cho một cai thầu người Nam Định xây dựng một công trình nhà dân ở thành phố Lạng Sơn. Thời gian làm liên tục trong vòng 4 tháng, ngày nắng cũng như ngày mưa hai vợ chồng đều đặn lăn lộn với công trình, ban đầu cai thầu trả công khá sòng phẳng, nhưng đến giai đoạn cuối, với lý do đang dồn lực cho công trình khác lớn hơn và khất chậm trả công cho vợ chồng anh mất 2 tháng trời. Đến khi công trình hoàn thành, chủ cai thầu cũng mất hút, khoản tiền công của hai vợ chồng hơn 2 tháng trời cứ treo lơ lửng, không biết tìm chủ cai thầu ở đâu để đòi.

Với những người làm thợ xây gần nhà dù vất vả nhưng còn đỡ, những công nhân ở tỉnh xa đến Lạng Sơn làm ăn, mưu sinh, cuộc sống của họ còn vất vả hơn nhiều. Anh Nguyễn Văn Mỹ, sinh năm 1980, quê ở Tân Yên, Bắc Giang có thâm niên hơn 20 năm làm nghề xây dựng và gắn bó với mảnh đất Lạng Sơn đến nay đã ngót 10 năm. Anh kể: Xa nhà, đi theo các công trình xây dựng ngoài mong muốn được trả công đầy đủ, thì chỗ ăn ở, an toàn lao động luôn là vấn đề được anh em quan tâm. Anh em công nhân thường xuyên phải sinh sống trong các lán trại được dựng tạm bợ, sinh hoạt vô cùng vất vả. Ngày nắng cũng như ngày rét, lúc nào cũng phải đu mình trên những đà giáo để kiếm miếng cơm manh áo. Khi tham gia những công trình quy mô nhỏ còn đỡ, nếu tham gia những công trình lớn cao tầng, vấn đề an toàn lao động luôn là nỗi lo của anh em. Chỉ cần thiếu tập trung, lơ đễnh một chút là nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, người lao động lãnh hậu quả ngay.

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh, thị trường lao động lĩnh vực xây dựng công trình có trên 10 nghìn người, làm việc tại khoảng 200 doanh nghiệp xây dựng và hàng trăm nhóm thợ độc lập chuyên nhận thầu lại hạng mục công trình. Mặc dù số lượng người làm thợ xây dựng rất lớn do tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố và các huyện nhưng lao động lành nghề là người Lạng Sơn chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại là ở các tỉnh khác như: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội… Đáng chú ý gần đây, số lao động làm thợ xây dựng ở các tỉnh phía Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên di chuyển về Lạng Sơn có xu hướng tăng.

Về tình hình bảo đảm an toàn lao động trên các công trường xây dựng, trước đây tại Lạng Sơn cũng từng xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như: năm 2015, tại công trường xây dựng khách sạn Thiên Trường, khu đô thị Phú Lộc IV xảy ra vụ tai nạn làm 3 người chết. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, tại Lạng Sơn chưa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào trên các công trường xây dựng lớn. Nguyên nhân được cho là do các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chủ đầu tư các dự án đã quan tâm hơn tới công tác an toàn lao động tại các công trường xây dựng.

TRANG NINH