Thứ sáu,  20/09/2024

Đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp: Vấn đề cần quan tâm

(LSO) – Trong thời gian qua, đào tạo nghề cho lao động để đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp (DN) luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện. Vì vậy, cần sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dạy nghề, các cơ sở đào tạo cũng như DN đối với công tác này.

Tại nhiều cuộc họp của tỉnh, nhất là khi bàn về công tác đào tạo nghề hay chất lượng nguồn nhân lực lao động của tỉnh, lãnh đạo tỉnh thường dẫn câu chuyện đội ngũ phục vụ của các khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh như: Vinpearl Lạng Sơn, Mường Thanh… còn thiếu chuyên nghiệp. Một sự thật đáng buồn là số nhân viên thiếu chuyên nghiệp này rơi vào hầu hết lao động trong tỉnh. Vì vậy, nhiều sự kiện lớn của tỉnh tổ chức tại những khách sạn này, lãnh đạo tỉnh đều đề nghị đơn vị tăng cường đội ngũ nhân viên phục vụ từ Hà Nội về nhằm đảm bảo được yêu cầu phục vụ theo tính chất của sự kiện mà tỉnh tổ chức.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn thực hành nghề hàn

Vì sao chất lượng nguồn lực lao động của tỉnh lại được đánh giá thấp như vậy? Lạng Sơn là tỉnh miền núi, không có nhiều DN lớn cũng như ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch chưa thực sự phát triển, chưa có nhiều trường đào tạo chuyên nghiệp, vì vậy, mặc dù số người trong độ tuổi lao động lớn nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, số lao động qua đào tạo đến hết năm 2018 của tỉnh chỉ chiếm 50%. Điều này dẫn đến việc một số DN trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, lao động có tay nghề hoặc qua đào tạo nghề nhưng thị trường lao động của tỉnh không đáp ứng được.

Ông Phạm Đình Ban, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn cho biết: Là DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, tôi cho rằng thị trường du lịch của tỉnh  có tiềm năng, sức hấp dẫn lớn, nhưng vẫn chưa phát triển và thu hút được nhiều khách du lịch đến với tỉnh một phần là do cơ sở hạ tầng du lịch, một phần khác là do chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch của chúng ta đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong vấn đề chất lượng có một phần không nhỏ năng lực, trình độ của lao động làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Trên thực tế hiện nay, không chỉ lĩnh vực du lịch, vận tải, mà nhiều ngành, nghề như: lắp ráp linh kiện, phụ tùng, kỹ sư các lĩnh vực cầu đường, hạ tầng, điện, chỉ huy công trường… DN liên quan có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng khó tìm kiếm được lao động đã qua đào tạo nghề và có kinh nghiệm về những lĩnh vực này.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã chỉ đạo phòng chuyên môn, phòng LĐTBXH – dân tộc các huyện, thành phố chủ động kết nối, phối hợp với DN và cơ sở đào tạo nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh tuyên truyền định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh và đào tạo dạy nghề cho lao động, ký kết hợp đồng đào tạo nghề cho lao động trong DN.

Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, nhà trường đã phối hợp với các DN như: Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật; Công ty Than Na Dương, các gara ô tô trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; Công ty Năng lượng xanh… đào tạo và giới thiệu việc làm được cho trên 200 học sinh, sinh viên sau đào tạo.

Cùng với Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn, thời gian qua, Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc cũng đã phối hợp với các DN trên địa bàn đào tạo và giới thiệu việc làm cho trên 150 học sinh, sinh viên của trường.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp đào tạo nghề cho lao động trong DN thời gian tới, ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng: Các DN của tỉnh cần quan tâm đến công tác  phối hợp, liên kết với cơ sở đào tạo nghề để tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo tại chỗ, đào tạo theo chuyên đề cho lao động. Đồng thời có kế hoạch đặt hàng với cơ sở đào tạo các ngành, nghề mà DN cần với các trình độ cụ thể theo yêu cầu của công việc. Để làm tốt những việc này, Hiệp hội DN đề nghị UBND tỉnh xem xét ban hành phương án hỗ trợ đào tạo cho LĐ trong DN trên địa bàn tỉnh.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng: Nếu hợp tác hiệu quả 3 bên giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp thì sẽ góp phần gỡ khó cho công tác tuyển dụng lao động của DN cũng như giải bài toán đào tạo nghề của các nhà trường. Muốn vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các hình thức hợp tác cũng như xây dựng các mô hình gắn kết giữa nhà trường và DN trong việc đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của DN. Có như vậy, người lao động mới tích cực tham gia đào tạo nghề để nâng cao trình độ và qua đó DN mới tìm được nguồn lao động có chất lượng.

THANH HUYỀN