Thứ sáu,  20/09/2024

Khó khăn trong rà phá bom, mìn

(LSO) – Việt Nam là quốc gia chịu hậu quả ô nhiễm bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh nặng nề nhất trên thế giới. Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện khắc phục hậu quả bom, mìn tại những vùng bị ô nhiễm cao như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Tuy đạt được kết quả nhất định, nhưng để làm sạch hết hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam phải mất hàng trăm năm và cần nguồn kinh phí rất lớn.

Lực lượng chức năng Bộ CHQS tỉnh vận chuyển bom được phát hiện còn sót lại sau chiến tranh vào vị trí hủy nổ

Lạng Sơn là tỉnh biên giới, nơi trực tiếp xảy ra các cuộc chiến tranh, nhất là chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, nên có số lượng lớn bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, tập trung ở các xã, thị trấn biên giới. Qua số liệu khảo sát của cơ quan chức năng, tổng diện tích ô nhiễm bom, mìn trên địa bàn tỉnh khoảng 45 nghìn héc ta. Từ năm 1991 đến nay, thực hiện các chương trình của Chính phủ về khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, trên địa bàn tỉnh đã có các đơn vị công binh và doanh nghiệp của quân đội tham gia rà phá bom, mìn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên tuyến biên giới Việt – Trung và các dự án xây dựng khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ làm sạch được trên 7 nghìn héc ta đất phục vụ xây dựng các công trình và phát triển kinh tế.

Trung tá Vũ Trí Hòa, Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho biết: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã gặp không ít khó khăn, do ảnh hưởng của yếu tố thời gian, thiên nhiên xói mòn, bồi lấp, bom, mìn nằm trong lòng đất đã lâu, khi có sự tác động dễ phát nổ. Mặt khác, sơ đồ lưu trữ vị trí cài cắm mìn trước đây của các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đều không còn, bị thất lạc, gây khó khăn trong quá trình rà phá, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế, trong 2 năm (2013 – 2014), khi đang thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn trên địa bàn xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, đã có 3 cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Công binh bị thương do mìn nổ.

Đại đội Công binh 17, Bộ CHQS tỉnh là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ tham gia rà, phá bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh theo các Chương trình 120, 504 của Chính phủ và một số dự án khác. Xác định công việc rà phá bom, mìn là nhiệm vụ hết sức nặng nề và nguy hiểm, quá trình tổ chức thực hiện đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Do khí hậu mưa nắng thất thường, các khu vực rà, phá có độ dốc cao, cây rừng rậm rạp, điều kiện sinh hoạt của bộ đội hết sức vất vả, chủ yếu phải ở lán trại dựng tạm, nên cơ sở, vật chất đảm bảo đời sống của bộ đội cũng hết sức thiếu thốn. Hơn 10 năm qua, đơn vị đã đến các khu vực biên giới được xác định còn bom, mìn để tổ chức rà phá được hàng nghìn quả mìn, vật liệu nổ, tính trung bình mỗi năm làm sạch được từ 60 đến 70 ha đất.

Đại úy Lý Văn Thọ, Đại đội trưởng Đại đội Công binh 17, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Điều cơ bản trong khi thực hiện là phải làm đúng quy trình, nguyên tắc và bình tĩnh, tránh sơ suất đáng tiếc, vì nếu để xảy ra sai sót sẽ phải trả giá bằng xương máu, không có cơ hội sửa chữa, rút kinh nghiệm. Vì vậy, trước mỗi buổi lên đường rà phá, đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ luyện tập, nắm vững các kỹ năng sử dụng máy dò mìn, cách tháo gỡ, động tác kỹ thuật, xử lý vật liệu nổ đảm bảo một cách thuần thục.

Hiện số diện tích bị ô nhiễm bom, mìn trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 38 nghìn héc ta. Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí nên từ năm 2018 đến nay, công tác rà phá bom, mìn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang bị tạm dừng.

NÔNG ĐÌNH QUANG