Thứ sáu,  20/09/2024

Cảnh báo hiện tượng tự tử ở người trẻ

(LSO) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra không ít vụ tự tử, trong số đó những người trẻ tuổi chiếm phần lớn. Hầu hết các vụ tự tử đều có dấu hiệu báo trước, nếu quan tâm, để ý, người thân có thể dễ dàng phát hiện và ngăn chặn.

Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc Hoàng Thị D (sinh năm 1991), trú tại đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn nhảy cầu tự vẫn ngày 10/7/2019. Theo người thân và đồng nghiệp nạn nhân, trước đó, D có biểu hiện chán nản, buồn bã, hoang mang. Có thể do quẫn bách vì nợ nần nên D có hành động đáng tiếc. Trước đó, năm 2018 cũng xảy vụ tự tử ở sông Kỳ Cùng, nạn nhân là nam sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 trường hợp tự tử. Trong đó, 4 trường hợp tử vong, 6 trường hợp được người thân kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu. Về độ tuổi, dưới 19 tuổi có 2 trường hợp, từ 20 đến 60 tuổi có 7 trường hợp.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tìm kiếm người nhảy cầu

Trong một nghiên cứu về hành vi tự hủy hoại bản thân trên hơn 800 học sinh THPT các trường trên địa bàn tỉnh của nhóm giáo viên và học sinh Truờng THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn  cho thấy: có đến 24,2% học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân với biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Đặc biệt, có đến 2,2% có hành vi gây ảnh hưởng đến tính mạng như: đập đầu, tự cắt vào cơ thể, lên kế hoạch tự tử nhiều lần. Nguyên nhân dẫn đến các hành vi này là do sự kỳ vọng của bản thân, gia đình, áp lực học hành, thi cử. Đáng nói các em đều rất hạn chế về kỹ năng tự nhận thức, giải quyết vấn đề hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bác sỹ Lăng Hồng Hưng, Khoa Thần kinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử như: mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, lạm dụng rượu bia, ma túy, trầm cảm… Đối với người trẻ tuổi, lạm dụng ma túy và trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu. Biểu hiện của người có ý định tự tử là bi quan, chán nản về cuộc sống, thường xuyên than vãn, nói về sự ra đi, chuẩn bị cho cái chết… nếu quan tâm thì những người thân trong gia đình rất dễ nhận biết.

Hơn 80% trường hợp có ý định tự tử luôn cố gắng bày tỏ ý định của mình cho người khác biết, chính vì vậy, khi người thân có biểu hiện trầm cảm, tâm lý bi quan, các thành viên trong gia đình cần quan tâm, chia sẻ hoặc đưa người bệnh đến gặp bác sỹ tâm lý hoặc chuyên khoa thần kinh để giải quyết vấn đề.

Quá trình dạy dỗ trong mỗi gia đình là yếu tố quan trọng giúp người trẻ tuổi hoàn thiện về nhân cách. Chính vì vậy, mỗi gia đình cần có phương pháp giáo dục phù hợp, hướng người trẻ đến những suy nghĩ tích cực, biết quý trọng các giá trị cuộc sống, đặc biệt là sống có lý tưởng, hoài bão. Cùng với đó, cần trang bị cho những người trẻ tuổi kỹ năng vượt qua khó khăn, khủng hoảng tâm lý.

Bản năng sống luôn tồn tại trong mỗi con người, những lúc khó khăn nhất, thậm chí cận kề cái chết nhưng nhiều người bằng mọi cách vẫn cố gắng vượt qua. Tuy nhiên, do nhận thức, thiếu kỹ năng, nên những sự việc đột xuất lại trở thành tác nhân khiến giới trẻ tự tử. Điều đó cho thấy hiện tượng này là vấn đề cần được gia đình, xã hội nghiêm túc nhìn nhận. Từ đó có những giải pháp phù hợp để phòng ngừa, ngăn chặn, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

HOÀNG VƯƠNG