Thứ sáu,  20/09/2024

Nỗi đau da cam thế hệ thứ ba

(LSO) – Những đứa trẻ bẩm sinh đã tật nguyền, không thể nói, không thể đi lại; không thể phát triển trí tuệ, thể chất như những đứa trẻ bình thường… Điểm chung của họ là sinh ra trong gia đình có ông, bà là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Tuy nhiều cơ quan y tế đã kết luận đó là do di truyền ảnh hưởng bởi chất độc hóa học nhưng đến nay, những nạn nhân thế hệ thứ ba (đời cháu) vẫn chưa được công nhận và hưởng bất kỳ chế độ, hỗ trợ liên quan nào.

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) tỉnh, Lạng Sơn có trên 4.000 người nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học, hiện nay mới có 439 người (nạn nhân trực tiếp), 380 nạn nhân gián tiếp (đời con) được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Còn thế hệ thứ ba (đời cháu), theo ước tính của Hội NNCĐDC tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 100 trường hợp, dù hằng ngày, hằng giờ gánh chịu những nỗi đau, thế nhưng họ vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ liên quan đến ảnh hưởng của chất độc da cam.

Các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn quỹ chất độc da cam tỉnh

Em Hoàng Thị Linh Chi, (sinh năm 1997), khối 8, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đang học năm cuối của một trường đại học tại Hà Nội. Nhưng từ đầu năm 2019, em đã không con đủ sức khỏe để theo học, đành phải rời bỏ giảng đường về nhà nhờ cậy sự chăm sóc của người thân, gia đình bởi những cơn đau hành hạ, sức khỏe suy sụp do bị ảnh hưởng CĐDC từ người ông, người bố của mình.

Ông nội của em là Hoàng Quang Minh, nhập ngũ năm 1964, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam. Ông Minh và 3 người con trai bị nhiễm CĐDC đã được hưởng chế độ. Đến nay, 5 người cháu của ông cũng bị nhiễm CĐDC (trong đó có em Linh Chi), với những biểu hiện ngoài da, dị tật… và chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.

Với làn da xanh nhợt, cơ thể teo tóp, em Linh Chi giờ chỉ còn nặng hơn 30 kg.  Do sức khỏe yếu, từ khi nghỉ học về, em chỉ ra khỏi phòng khi đến giờ ăn cơm, còn lại, em đều ở trong phòng, không vận động, không giao tiếp với người ngoài.

Ông Hoàng Quang Minh cho biết: Cả gia đình có đến 9 người nhiễm CĐDC, trong đó, tôi và 3 người con đã được hưởng chế độ, chính sách. Còn 5 người cháu mắc nhiều bệnh, dị tật mà đến nay chưa được hưởng chế độ, chính sách. Các cháu gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và cả những ước mơ tương lai.

Còn đối với ông Lương Văn Sình, khối 4, phường Tam Thanh là NNCĐDC trực tiếp, có con trai bị ảnh hưởng gián tiếp và đã được hưởng chế độ. Cháu nội của ông Sình được 5 tuổi nhưng từ khi sinh ra cho đến nay chỉ nằm một chỗ, không thể tự vệ sinh cá nhân, mọi sinh hoạt đều cần đến sự giúp đỡ, chăm sóc của người thân.

Tuy chưa có rà soát cụ thể, nhưng theo ước tính của Hội NNCĐDC tỉnh, toàn tỉnh hiện nay có gần 100 trường hợp là con, cháu của NNCĐDC đang bị mắc nhiều bệnh (nằm trong danh mục 17 bệnh tật liên quan đến CĐDC do Bộ Y tế ban hành), dị tật nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cho họ. Đa số các trường hợp bị ảnh hưởng CĐDC là thế hệ thứ 3 đều có cuộc sống khó khăn, bệnh tật triền miên và ngại tiếp xúc, giao lưu, hòa nhập cuộc sống.

Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh cho biết: Đối với gia đình NNCĐDC thì di chứng chất độc hóa học ảnh hưởng đến các thế hệ là nỗi đau xót tột cùng, không gì có thể bù đắp được. Một gia đình có ba thế hệ cùng bị ảnh hưởng bởi CĐDC thì nỗi đau ấy nhân lên gấp ba. Đa phần trong số đó đều là những gia đình hoàn cảnh khó khăn. Điều kiện để duy trì cuộc sống rất chật vật, lại thêm gánh nặng chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn nạn nhân thế hệ thứ ba mới chỉ được hưởng chế độ hỗ trợ của người khuyết tật.

Theo ông Hà Văn Thanh, hiện nay, Đảng và Nhà nước chưa có chế độ, chính sách nào hỗ trợ cho NNCĐDC thế hệ thứ ba. Vì vậy, các đối tượng này vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên. Để họ có thêm điều kiện vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, Hội NNCĐDC tỉnh kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với NNCĐDC thế hệ thứ ba.

Trong số những gia đình mà chúng tôi được gặp, họ không muốn nói nhiều đến khó khăn, sự tổn thương mà mình phải gánh chịu bởi nỗi đau đã quá lớn. Song trong thâm tâm, họ đều mong chờ chế độ chính sách, cùng các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay sẻ chia để tương lai, con, cháu của họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

ĐĂNG THÙY