Thứ sáu,  20/09/2024

Chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ

(LSO) – Với hơn 58,8% đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nữ, các cấp công đoàn đã tăng cường tuyên truyền, giám sát thực hiện chế độ, chính sách, cải thiện môi trường làm việc và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ.

Toàn tỉnh hiện có hơn 25.500 nữ đoàn viên, CNVCLĐ làm việc tại 1.432 công đoàn cơ sở (CĐCS) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nữ đoàn viên, CNVCLĐ tham gia tất cả các lĩnh vực công tác, ngành nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó, một số ngành lao động nữ chiếm tỷ lệ cao như: ngành giáo dục trên 75%, ngành y tế trên 68%…

Theo điều tra của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam), lao động nữ thường mắc một số bệnh liên quan điều kiện lao động, như: hội chứng đau hông, lưng, bả vai; thoái hóa đốt sống cổ do tư thế ngồi làm việc nhiều giờ; hiện tượng khung xương chậu hoạt động kém do ngồi nhiều cho nên thường phải mổ đẻ… Vì thế, việc chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ nữ luôn được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh quan tâm nhằm giảm thiểu bệnh nghề nghiệp.

Cán bộ LĐLĐ tỉnh phát tờ rơi truyền thông sức khỏe cho nữ công nhân, lao động ở các doanh nghiệp

Để nâng cao nhận thức của nữ CNVCLĐ trong việc chăm sóc sức khỏe, trước tiên, các cấp công đoàn chú trọng tuyên truyền, tập trung vào các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nữ như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012; Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2017… Từ năm 2019 đến nay, các cấp công đoàn đã tổ chức tuyên truyền được 1.207 cuộc với hơn 21.700 nữ đoàn viên, CNVCLĐ tham gia; đồng thời cấp phát 800 cuốn Sổ tay công tác nữ công năm 2019, 100 cuốn Thông tin Phụ nữ cho cơ sở.

Trên cơ sở đó, các CĐCS đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nữ đoàn viên, CNVCLĐ như: người làm việc nặng nhọc khi đang mang thai ở tháng thứ 7 sẽ được điều chuyển làm công việc nhẹ nhàng hơn; được nghỉ thêm mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, nghỉ ngơi… Từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp công đoàn đã phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nữ CNLĐ được 115 cuộc. Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến thực hiện chế độ, chính sách đối với nữ CNLĐ. Hiện nay, toàn tỉnh có 2 đơn vị hỗ trợ kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo cho CNLĐ nữ; 56 doanh nghiệp có chế độ, chính sách riêng đối với CNLĐ nữ.

Bà Đinh Thị Minh Loan, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Bảo Long cho biết: Với trên 200 CNLĐ nữ (chiếm gần 50% tổng số CNLĐ), CĐCS luôn quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị em, cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho chị em chăm sóc sức khỏe như: bố trí phòng thay đồ nữ, nhà vệ sinh nữ, nữ công nhân nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ thêm 60 phút mỗi ngày… Nhờ đó, chị em yên tâm gắn bó với công việc.

Cùng với đó, từ năm 2017 đến nay, các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện mô hình “Sức khỏe của bạn” với các hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đoàn viên, CNLĐ và khám phụ khoa, rà soát ung thư cổ tử cung cho lao động nữ. Từ đầu năm 2019 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 1 cuộc truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa, rà soát ung thư cổ tử cung cho 205 nữ CNLĐ ở các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc.

Chị Chu Quỳnh Anh, công nhân Công ty TNHH Thành Long, đang mang thai tháng thứ 8, chia sẻ: Được sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị và tổ chức công đoàn, từ lúc mang thai đến giờ, tôi được bố trí thời gian nghỉ khám thai 3 lần. Từ tháng thứ 7, tôi được giảm bớt một giờ làm việc mỗi ngày để nghỉ ngơi.

Bà Hoàng Thị Cúc, Trưởng Ban Nữ công, LĐLĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chăm sóc sức khỏe cho nữ CNVCLĐ; tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Sức khỏe của bạn” để tạo sự lan tỏa trong các cấp công đoàn, chăm lo tốt hơn sức khỏe cho đoàn viên, người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến lao động nữ.

MINH NGỌC