Thứ sáu,  20/09/2024

Mô hình “Cửa hàng không đồng”: Nơi chia sẻ yêu thương

(LSO) – Xuất phát từ tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, nhiều đơn vị, tổ chức, tổ thiện nguyện cùng các nhà hảo tâm trong tỉnh đã thành lập những “Cửa hàng không đồng” để cấp phát quần áo miễn phí cho người nghèo. Những gian hàng này đã kết nối nhiều tấm lòng nhân ái giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhận được những bộ quần áo ấm áp, nghĩa tình.

   Sẻ chia yêu thương

“Cửa hàng không đồng” tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã không còn xa lạ với người dân trong vùng, bởi mô hình này hoạt động hiệu quả từ hai năm nay. Tuy là hàng miễn phí song quần áo, vật dụng gia đình, đồ dùng học tập nơi đây luôn được chọn lựa kỹ và được xếp gọn gàng, ngăn nắp tại cửa hàng. Tất cả quần áo đều còn sử dụng tốt, nhiều mặt hàng còn mới 100%. Vì vậy, mỗi tuần có  hàng trăm người dân, công nhân lao động nghèo đến gian hàng để lựa chọn những bộ quần áo, giầy dép về sử dụng.

Chị Phùng Thị Liên, thôn Lũng Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng thường đến cửa hàng để chọn cho mình và các thành viên trong gia đình những bộ quần áo vừa ý. Chị Liên cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Vào dịp đầu năm học mới vừa qua, cần phải mua đồ dùng học tập, quần áo cho hai đứa con, nếu như không có “Cửa hàng không đồng” thì tôi không thể lo đủ các đồ dùng học tập cũng như những bộ quần áo cho các cháu. Từ ngày có “Cửa hàng không đồng”, vào những ngày chợ phiên, tôi thường đi chợ mua sắm các đồ dùng cho gia đình rồi ghé qua cửa hàng để chọn những bộ quần áo, giầy dép cho các con và các thành viên trong gia đình.

Người dân xã Gia Lộc lựa chọn quần áo miễn phí tại “Cửa hàng không đồng” do Hội Chữ thập đỏ huyện Chi Lăng tổ chức lưu động tại xã Gia Lộc

Chia sẻ về quá trình hình thành “Cửa hàng không đồng”, bà Trần Bích Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiện tâm Chi Lăng cho biết: Trong cuộc sống hằng ngày, chúng tôi gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc cần sự giúp đỡ. Do vậy, từ năm 2017, tôi cùng các thành viên đã mở gian hàng quần áo miễn phí để cấp phát cho người nghèo. Tuy là những bộ quần áo miễn phí nhưng có rất nhiều bộ còn mới 100% được các chủ cửa hàng bán quần áo trong các khu chợ, chủ shop quần áo ủng hộ. Từ tháng 6/2017 đến nay, gian hàng quần áo miễn phí chính thức đi vào hoạt động và cấp phát hàng nghìn bộ quần áo miễn phí cho người nghèo trên địa bàn huyện.

   Mô hình ý nghĩa được nhân rộng

Mô hình “Cửa hàng không đồng” bắt đầu có ở thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng từ năm 2016 do các tấm lòng hảo tâm tự thành lập. Nhận thấy ý nghĩa nhân văn, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trong hai năm trở lại đây, mô hình “Cửa hàng không đồng” được hội chữ thập đỏ các huyện trong tỉnh phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể và tổ, nhóm thiện nguyện nhân rộng mô hình này tại hầu hết các huyện như: Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc, Hữu Lũng, Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn… Các “Cửa hàng không đồng” không chỉ được mở tại các khu vực chợ, trung tâm thị trấn mà tại một số huyện còn mở tại các trung tâm y tế để cấp phát cho bệnh nhân nghèo.

Bên cạnh đó, hội chữ thập đỏ các huyện còn phối hợp với các tổ chức, nhóm thiện nguyện, cá nhân hảo tâm đưa các gian hàng quần áo miễn phí đến tận thôn, xã vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn để cấp phát quần áo miễn phí cho người nghèo. Tiêu biểu như “Cửa hàng không đồng” tại các huyện: Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng.

Từ các “Cửa hàng không đồng”, bình quân mỗi năm cấp phát gần 10.000 bộ quần áo miễn phí cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng cao. Dự kiến hết năm 2019, các “Cửa hàng không đồng” sẽ cấp phát khoảng 10.000 bộ quần áo miễn phí và các vật dụng gia đình, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo.

Bà Nông Bích Thuận, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Hiện nay, mô hình “Cửa hàng không đồng” không còn là phong trào riêng lẻ của các tổ, nhóm thiện nguyện mà đã được nhân rộng ra toàn tỉnh, được các tổ chức, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ quần áo, đồ dùng gia đình… để sẻ chia cho với người nghèo. Với thông điệp “Ai thừa mang đến – ai thiếu đến lấy”, trong đó, những người cho thì hạnh phúc khi được chia sẻ những khó khăn với người khác, còn người nhận thì phấn khởi khi được nhận những bộ đồ ấm áp, nghĩa tình. Qua mô hình thể hiện tinh thần “thương người như thể thương thân” và thứ quý hơn hết là tình thương được lan tỏa trong cộng đồng.

ĐĂNG THÙY