Thứ sáu,  20/09/2024

Ngành bảo hiểm xã hội: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển

(LSO) – Ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19 thành lập ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Với 25 năm xây dựng, nỗ lực phấn đấu và liên tục trưởng thành, BHXH Việt Nam nói chung, BHXH Lạng Sơn nói riêng đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) của quốc gia, của tỉnh.

Nếu như năm 1995, cả nước mới chỉ có 2,2 triệu người tham gia BHXH, thì đến hết năm 2019, con số này là trên 14,65 triệu người (tăng khoảng 5,7 lần). Năm 2008 – năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, cả nước mới chỉ có trên 6 nghìn người tham gia, thì đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có trên 437 nghìn người (tăng hơn 70 lần). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2019 đạt 12,9 triệu người, tăng 7 triệu người so với thời điểm bắt đầu triển khai… Điều này khẳng định, diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng và tăng nhanh qua từng năm.

Cán bộ Bộ phận “một cửa” BHXH tỉnh hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người dân liên quan đến các chính sách BHXH, BHYT, BHTN

Trong dòng chảy chung đó, sự phát triển và lớn mạnh của ngành BHXH Việt Nam có phần đóng góp không nhỏ của BHXH Lạng Sơn. Trong đó có thể điểm một số dấu ấn được thể hiện bằng những con số ấn tượng như: tính hết năm 2019, số người tham gia BHXH đạt 62.685 người, chiếm khoảng 12,28% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 43.700 người so với năm 1995. Tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 94,06% dân số với trên 735.200 người tham gia, vượt 2,06% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Đáng chú ý, tính đến hết năm 2019, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh cũng được bảo đảm với trên 12 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; trên 7 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BHTN với tổng số tiền chi trả BHXH, BHYT lên tới trên 15.600 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho trên 29.000 người nghỉ hưu, cũng như tạo cơ hội được chăm sóc y tế cho hàng triệu lượt người mắc các bệnh nan y với mức chi phí điều trị y tế của mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí rất nhiều người được BHYT thanh toán hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Mông Dũng Tiến (cán bộ hưu trí), thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: Tôi bị suy thận gần 6 năm nay, cũng may có BHYT chi trả 95% nên gia đình vơi bớt gánh nặng kinh tế để tôi chữa bệnh. Trung bình một năm Quỹ BHYT chi trả cho tôi trên 200 triệu đồng.

Để đạt được những kết quả trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT thì một trong những dấu ấn không thể không nhắc đến đó là công tác truyền thông. Trong 25 năm qua, BHXH tỉnh luôn chú trọng truyền thông với phương châm: phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Điển hình là sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và 1 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, toàn ngành đã phối hợp với các cơ quan, hội, đoàn thể, đại lý thu trên địa bàn… tổ chức được trên 1.100 hội nghị tuyên truyền với sự tham gia của 110.000 lượt người tham dự. Qua đó góp phần phát triển và tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện từ 56 người (năm 2008 – năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện) lên khoảng 8.700  người (năm 2019).

Với những kết quả đạt được, nhiều năm liên tục BHXH tỉnh được tặng thưởng các danh hiệu của UBND tỉnh, BHXH Việt Nam, Chính phủ và vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Bà Nông Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết: Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt các mục tiêu đề ra trong các Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH với quan điểm: Công tác tuyên truyền phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH. Hoạt động tuyên truyền phải lấy đối tượng được tuyên truyền làm trung tâm. Đồng thời đảm bảo các quyền lợi hưởng chế độ BHXH, BHYT cho nhân dân và người lao động khi tham gia, tiếp tục khẳng định vị thế của ngành BHXH góp phần vào sự nghiệp ASXH.

THANH HUYỀN