Thứ sáu,  20/09/2024

Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Đừng vì lợi ích trước mắt

(LSO) – Thời gian gần đây, một bộ phận người lao động trong cả nước đã lựa chọn hình thức nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng đã xuất hiện tình trạng này, đòi hỏi ngành chức năng vào cuộc và cả người lao động phải nâng cao nhận thức, cân nhắc mọi đường.

Chị Vy Thị Cảnh, ở xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, công nhân may ở khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh Bắc Giang có thời gian tham gia BHXH bắt buộc 3 năm. Sau thời gian nghỉ chế độ thai sản, đến thời điểm đi làm trở lại thì dịch Covid – 19 khiến công ty phải tạm đóng cửa. Không có việc làm, lại phải nuôi con nhỏ, điều kiện kinh tế khó khăn, nên chị Cảnh đã đăng ký chốt sổ BHXH, nhận chế độ một lần với số tiền khoảng 17 triệu đồng. Chị Cảnh cho biết: “Khó khăn về tài chính nên tôi quyết định đăng ký nhận trợ cấp BHXH một lần dù biết sau này nếu bắt đầu công việc thì sẽ phải đóng lại từ đầu”.

Cùng lý do này, chị Nguyễn Thị Khuyến, ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn tham gia BHXH bắt buộc được 17 tháng. Tuy nhiên, chị đã nghỉ việc hơn 1 năm nay và quyết định chốt sổ BHXH, làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ. Theo chị Khuyến, thời gian chị tham gia đóng BHXH chưa nhiều, trong khi thời gian này doanh nghiệp cắt giảm lao động, không có việc làm nên việc nhận trợ cấp BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống giai đoạn khó khăn này là giải pháp cần thiết.

Người lao động đến BHXH tỉnh làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp BHXH một lần

Ông Trịnh Xuân Đông, Trưởng phòng Chế độ BHXH, BHXH tỉnh biết: Trong quý I/2020, toàn tỉnh có 1.166  người lao động nộp hồ sơ xin giải quyết chế độ BHXH một lần. So với thời điểm cùng kỳ năm 2019, con số này tăng hơn 185 trường hợp. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do người lao động mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống, đồng thời lo lắng vì có thể gặp khó khăn khi tìm lại việc làm trong thời điểm dịch Covid-19. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen tự bảo đảm an sinh khi về già, đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cái.

Thực tế cho thấy, việc người lao động ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện an sinh xã hội toàn dân.

Ông Trịnh Xuân Đông cũng khuyến cáo người lao động cần cân nhắc kĩ trước khi nhận BHXH một lần, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Về phía BHXH tỉnh, hiện nay, đơn vị đã chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tăng cường  tuyên truyền để người lao động và người dân thấy rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong việc ổn định đời sống người dân, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, khó khăn này.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, BHXH. Đặc biệt, trước thông tin về tình trạng trục lợi hưởng BHXH qua hành vi mua bán, cầm cố, chuyển nhượng sổ; chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết nhận BHXH một lần của người lao động, phải kiểm soát các thông tin, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

VĂN HƯƠNG