Thứ sáu,  20/09/2024

Để mỗi hội viên phụ nữ là một tuyên truyền viên tích cực

(LSO) – Hiện nay,Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lạng Sơn có 4 mạng lưới đại lý thu với 429 điểm thu và 528 nhân viên đại lý thu của UBND xã, phường; Bưu điện; Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh; Hội Nông dân tỉnh. Trong đó, số điểm thu và nhân viên đại lý thu của Hội LHPN đứng thứ hai sau Bưu điện với 144 điểm thu và 182 nhân viên đại lý thu thuộc hệ thống Hội LHPN các huyện, thành phố.

Nhằm nâng cao nhận thức của hội viên Hội LHPN các xã, phường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn về chính sách BHXH tự nguyện để mỗi hội viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực đến từng khu phố, gõ từng nhà đối tượng tiềm năng để đưa chính sách đến với Nhân dân trên địa bàn. Trong tháng 9 vừa qua, BHXH tỉnh  đã phối hợp với Hội LHPN thành phố tổ chức thành công 6 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là hội viên Hội LHPN 6 xã, phường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Đối tượng tham dự Hội nghị trao đổi về chính sách BHXH tự nguyện

Để các hội viên hiểu hơn về chính sách BHXH tự nguyện, các hội nghị được tổ chức với nhiều hình thức xen kẽ. Mở đầu với phóng sự tuyên truyền về ngành BHXH giúp đối tượng có cái nhìn khái quát về ngành BHXH, những thành tựu mà ngành BHXH đã đạt được trong thời gian qua; những giá trị cuộc sống mà chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) mang lại. Tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền và phần thuyết trình của báo cáo viên đến từ BHXH tỉnh Lạng Sơn về những nội dung cơ bản của chính sách BHXH tự nguyện như: đối tượng tham gia, mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi hưởng… giúp hội viên hiểu sâu về chính sách BHXH tự nguyện. Phần giao lưu hỏi – đáp với những câu hỏi đơn giản về chính sách BHXH tự nguyện góp phần tạo không khí vui vẻ, gần gũi trong quá trình diễn ra hội nghị, đồng thời để người dân có cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về những giá trị cốt lõi mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại.

 Sau hội nghị, bà Chu Thị Gái, hội viên Hội LHPN phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ tiến hành sàng lọc những hội viên tiềm năng trong độ tuổi dưới 50 tuổi để đến tận nhà tuyên truyền về BHXH tự nguyện. Đồng thời, sẽ lồng ghép tuyên truyền tại những cuộc họp của khối phố nhằm giúp chị em phụ nữ hiểu hơn về chính sách BHXH tự nguyện, từ đó chủ động đăng ký tham gia”.

Thực hiện mong muốn “Tham gia BHXH tự nguyện sẽ dần trở thành thói quen, văn hóa của người dân” là cả một chặng đường dài và công tác tuyên truyền cần thường xuyên đổi mới cả về hình thức và nội dung, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Và để làm được điều đó  mỗi chị em phụ nữ cần phát huy vai trò của mình, để mỗi người trở thành một tuyên truyền viên tích cực, đắc lực, góp phần vào kết quả chung trong thực hiện chỉ tiêu phát triển BHXH  BHYT của tỉnh.

PHẠM HOA (BHXH tỉnh)