Thứ sáu,  20/09/2024

Thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện còn rườm rà

Chiều 2/11, thảo luận ở tổ về Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), đa số các đại biểu (ĐB) đồng tình việc cần thiết sửa đổi, bổ sung luật này bởi thực tế, thủ tục cai nghiện bắt buộc còn rườm rà, và đề nghị việc sửa Luật phải bảo đảm phòng và chống, coi trọng cai nghiện tập trung và cai nghiện ở cộng đồng xã hội.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu tại tổ, chiều 2/11

Nêu lên những hậu quả do người nghiện ma tuý gây ra như vụ hai người nghiện sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng ở huyện Thường Tín (Hà Nội) vừa qua, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật này để phòng ngừa, hạn chế những tác hại do người nghiện gây ra.

Trong đó, ĐB Dung cũng chỉ rõ những bất cập, rườm rà đối với việc thực hiện thủ tục bắt buộc đi cai nghiện ma tuý hiện nay. Do đó, cần có những sửa đổi để thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhanh chóng, hiệu quả, bớt phức tạp. Đồng thời, cần có cách quản lý hiệu quả, hạn chế nguy cơ phạm tội do người nghiện gây ra đối với cộng đồng.

ĐB Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) nêu vấn đề, hiện chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, cai nghiện ở cộng đồng chưa hiệu quả, dự luật còn một số nội dung chưa bảo đảm thống nhất với luật khác.

“Dự thảo luật quy định về trách nhiệm của UBND xã trong quản lý người nghiện, thực ra nhiều nơi giao cho có thôi, có ai quản lý đâu. Trong đó việc quản lý sự di chuyển của người nghiện đến các địa phương khác là không hề dễ dàng; việc báo cho địa phương khác biết để quản lý là không khả thi”, ĐB Hải nói.

Dự thảo Luật khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện để huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác này, giảm chi ngân sách cho công tác này. Người nghiện ma túy sẽ có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề cai nghiện tại gia đình, cộng đồng vì cho rằng có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng quy định để tránh cai nghiện ma túy bắt buộc, do đó cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này. ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, nếu xem nghiện ma túy là bệnh lý, vậy tại sao lại cần quyết định của tòa án khi đưa người đi cai nghiện, rất cần làm rõ.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là vấn đề nhiều ĐB còn băn khoăn.

Từng nhiều năm làm Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, tỉ lệ tái nghiện rất cao do cai xong không có việc làm, do đó phải có giải pháp về điều này, nếu không sẽ vẫn loay hoay như hiện nay. Bà Hạnh cũng cho rằng, xã hội hóa công tác cai nghiện rất khó dù các cơ sở cai nghiện đều quá tải, nếu không cởi bỏ những thủ tục thông thoáng thì rất khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia.

ĐB Giàng A Chu (Yên Bái), Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, nếu tập trung nguồn lực để tài trợ cho người nghiện thì xã hội khó chấp nhận. “Cần khuyến khích có cơ sở tư nhân tham gia thành lập trung tâm cộng đồng để cai nghiện. Cần khuyến khích nghiên cứu sáng chế các bài thuốc cai nghiện để Nhà nước có thể mua với giá cao và sử dụng cải tạo người nghiện ma túy”, ĐB Giàng A Chu nêu ý kiến.

ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng, người nghiện ma túy, từ con bệnh trở thành con nghiện, rồi thành tội phạm là rất mong manh, không chỉ gây ra tội lỗi với người khác, mà còn với người thân của chính họ. “Tôi chứng kiến có những vụ con nghiện nằm ra cửa, bảo bố mẹ không được đi đâu, nếu không đưa tiền thì phải bước qua xác mình”, ĐB Quân chia sẻ.

ĐB Bùi Mậu Quân cũng cho rằng, cần đấu tranh triệt để với tội phạm ma túy để cắt nguồn cung ma túy, trong đó đấu tranh với các đường dây từ nước ngoài. Ma túy là vấn đề xã hội nên phải đấu tranh có bài bản và cần nguồn lực. Hiện nay, các trung tâm cai nghiện đều kêu thiếu tiền, quy định người cai nghiện phải nộp tiền nhưng họ đều là đối tượng nhà nghèo, không có tiền để nộp, do đó cần quan tâm vấn đề này.

“Giao cho tư nhân quyền gì, phải có cơ chế, chứ nói chung chung rất khó. Ngoài tạo cơ chế thì Nhà nước mới được cưỡng chế chứ tư nhân không có quyền này”, ĐB Bùi Mậu Quân đặt vấn đề.

DDaB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chỉ rõ thực tế, ma túy ai cũng thấy nguy hiểm, chủ yếu gây tác hại ở các nước nghèo. Hiện nay, Việt Nam có đủ các loại hình ma túy, từ sơ đẳng là thuốc phiện, đến heroin, ma túy đá… Về mặt y tế thì cai nghiện rất khó, khi nghiện và nhất là đã tiêm chích thì khó cai, chỉ có thể giảm tiêm mà thôi. “Như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thành lập trung tâm chăm sóc giảm hại, hướng dẫn để họ không dùng chung kim tiêm, còn hiện nay chưa có thuốc gì để cắt cơn”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.

Theo Chinhphu