Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ngay sau khi xảy ra thiên tai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ và các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương đã đồng loạt kêu gọi, vận động, tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ bằng tiền và hiện vật (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị cứu nạn). Trong đó, có nhiều tổ chức, cá nhân đã chủ động quyên góp và trực tiếp đến tận nơi đồng bào bị ngập lụt để hỗ trợ. Nhân dân cả nước hướng về miền Trung ruột thịt với nhiều phong trào ủng hộ thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt nhanh chóng ổn định đời sống. Nhiều địa phương trên cả nước đã hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Trung với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng (trong đó, Hải Phòng hỗ trợ 120 tỷ đồng, Đà Nẵng hỗ trợ 33 tỷ đồng,…). Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng bằng tiền và hiện vật cho đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức diễn tập cơ chế vận hành hệ thống cảnh báo thiên tai trong tình huống có sóng thần 

 

Cập nhật đến chiều ngày 29/11, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ đã tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật với giá trị trên 560 tỷ đồng (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 350 tỷ đồng, Hội Chữ thập đỏ 210 tỷ đồng). Hiện đã phân bổ 465 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã kêu gọi nhiều tổ chức quốc tế và một số nước đã cứu trợ tiền mặt và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương với 500 tỷ đồng) cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ tại miền Trung.

Về nhà ở, người dân, chính quyền và các lực lượng đã chủ động, khẩn trương khắc phục ngay sau khi bão, lũ đi qua. Theo báo cáo tính đến ngày 30/11, đã có 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái; 473.449 lượt nhà bị ngập đã cơ bản khắc phục xong; còn 1.531 hộ có nhà sập, trong thời gian xây dựng lại chính quyền địa phương đã bố trí nơi ăn ở, đồng thời đang tổ chức xác định các khu vực tái định cư.

Về khắc phục sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, đã tổ chức họp với 6 tỉnh trọng điểm và xuất cấp, hỗ trợ về trồng trọt (23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau). Về thủy sản, hỗ trợ 140 triệu giống tôm, 50 tấn thức ăn; 1,8 triệu liều vắc xin, 211.000 lít và 298 tấn hóa chất khử trùng,…

Bên cạnh đó, tổ chức 25 lớp tập huấn tư vấn kỹ thuật cho nông dân về các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai; huy động lực lượng các Viện, trường, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương theo 4 nhóm lớn: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và khôi phục hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hiệp hội hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp và nhu yếu phẩm cấp thiết để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Đi cùng với đó, Bộ NN&PTNT tổ chức khắc phục khẩn cấp các công trình đê điều bị thiệt hại do bão, mưa lũ. Khôi phục công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, bảo đảm việc phân phối, tưới nước mặt ruộng. Tổ chức nạo vét khẩn cấp các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương bị bồi lấp; rà soát, kiểm kê nguồn nước trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Thực hiện tích nước hợp lý trên cơ sở bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình để bảo đảm tích được lượng nước cao nhất khi mùa mưa, lũ kết thúc.

Về cơ sở giáo dục, tính đến ngày 30/11, đã có 1.529 trường và 104 điểm trường bị ngập nước đã khôi phục hoàn toàn, dọn dẹp vệ sinh ngay sau khi lũ rút, đồng thời bổ sung nhiều thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học sinh để đón học sinh quay lại trường học. Trong đó, đã tổ chức quyên góp, huy động được tổng trị giá gần 20 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh miền Trung.

Cần đầu tư thích đáng cho công tác phòng chống thiên tai

Theo Bộ NN&PTNT, trước tình hình diễn biến của thiên tai ngày càng cực đoan, vượt các mốc lịch sử và có nguy cơ xảy ra ở nhiều vùng miền, đe doạ sự an toàn và phát triển bền vững của xã hội, do vậy, sau đợt thiên tai vừa xảy ra, cần có sự nhìn nhận thấu đáo và đầu tư thích đáng để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân và tài sản của xã hội. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đầy đủ, toàn diện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, cần tiến hành rà soát, đánh giá tình hình, các tác động của thiên tai đến dân sinh, kinh tế – xã hội; rà soát năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó và cứu hộ cứu nạn, cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến các địa phương,… một cách bài bản, toàn diện. Đi cùng với đó là nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoạch định chiến lược, tổ chức bộ máy, nguồn lực và các bước đi phù hợp.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của cơ quan phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cả về tính chuyên nghiệp và trang thiết bị để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề và cấp bách. Trong đó, cần tập trung xây dựng trung tâm điều hành, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp với thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai; bổ sung, tăng cường lực lượng chuyên nghiệp, nhiệt huyết, giỏi nghiệp vụ, không sợ khó khăn nguy hiểm.

Thứ nữa, cần đẩy nhanh công tác di dân vùng có nguy cơ mất an toàn cao đến nơi an toàn, tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vùng thiên tai có nơi ở an toàn, chống chịu tốt với các loại hình thiên tai. Nâng cao năng lực chống chịu của công trình phòng chống thiên tai, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra như: hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền,…

Về lâu dài, theo Bộ NN&PTNT, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng và bổ sung, sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó; nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức của cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, cần tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, nhất là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn bảo đảm thực hiện đa mục tiêu, gắn với phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, cần xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Xây dựng và lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở cho quy hoạch bố trí dân cư và chủ động di dời, tái định cư. Đồng thời, cần quản lý và bảo vệ thật tốt rừng tự nhiên, tiếp tục trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển./.