Thứ sáu,  20/09/2024

Phát huy hiệu quả mô hình các nhóm, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc

– Trước thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) có xu hướng gia tăng, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình đang dần mai một, Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác gia đình tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó duy trì và phát huy hiệu quả của mô hình các nhóm, câu lạc bộ (CLB) xây dựng gia đình hạnh phúc nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Mỗi tháng 1 lần, gần 40 thành viên CLB gia đình phát triển bền vững khu I, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng lại tập trung sinh hoạt. Bà Trần Thị Sầm, Chủ nhiệm CLB cho biết: Hằng năm, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: thông qua các buổi sinh hoạt CLB, nói chuyện chuyên đề, văn hóa, văn nghệ, biểu dương các gia đình hạnh phúc tiêu biểu. Nhờ đó, 100% thành viên CLB đều đạt gia đình văn hóa (GĐVH).

Các thành viên CLB gia đình phát triển bền vững thôn Bản Làng, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng diễn tiểu phẩm tại buổi tọa đàm tìm hiểu kiến thức gia đình của xã

Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin (VH-TT) huyện Văn Lãng cho biết: Toàn huyện đã thành lập được 15 mô hình CLB gia đình và 75 nhóm phòng, chống BLGĐ tại 15 xã, thị trấn. Mỗi CLB có từ 25 đến 50 thành viên. Tham gia hoạt động của CLB, người dân được nâng cao kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ…

Không chỉ Văn Lãng, huyện Chi Lăng cũng là địa bàn thực hiện tốt việc xây dựng các nhóm, mô hình CLB với 21 mô hình CLB gia đình hạnh phúc và hơn 78 nhóm phòng, chống BLGĐ. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Tiêu biểu như CLB gia đình hạnh phúc thị trấn Đồng Mỏ. Được thành lập từ năm 2018, CLB thu hút hơn 50 thành viên và điều đặc biệt là 90% thành viên của CLB đều là các cặp vợ chồng. Chị Vi Thị Ngà – thành viên CLB cho biết: Tham gia CLB không chỉ giúp tôi nâng cao nhận thức và xây dựng gia đình hạnh phúc hơn mà còn được học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế của các gia đình trong khu phố. Trước đây, cuộc sống khó khăn, được học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tôi cùng chồng chăm lo làm ăn nên hiện nay, gia đình đã ổn định về kinh tế.

Cùng với Văn Lãng và Chi Lăng, mô hình CLB gia đình hạnh phúc bền vững được nhân rộng và phát huy hiệu quả trên địa bàn các huyện, thành phố.  Tùy từng địa bàn, các mô hình gia đình có những tên gọi khác nhau như: CLB gia đình hạnh phúc, gia đình phát triển bền vững, CLB nam giới nói không với BLGĐ, tổ phụ nữ xây dựng hạnh phúc và giúp nhau phát triển kinh tế… Hầu hết các gia đình và thành viên tham gia mô hình, các CLB đều tự nguyện đóng góp kinh phí sinh hoạt.

Các thành viên CLB gia đình phát triển bền vững thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng diễn tiểu phẩm tại buổi tọa đàm tìm hiểu kiến thức gia đình

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Là cơ quan Thường trực BCĐ công tác gia đình tỉnh, sở đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể liên quan triển khai nhiệm vụ công tác gia đình; trong đó chú trọng xây dựng và phát triển mô hình các nhóm, CLB gia đình. Tham gia sinh hoạt nhóm, CLB các thành viên được các cấp, ngành tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn các vấn đề liên quan đến đời sống gia đình. Từ đó, các nhóm, CLB đã trở thành cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể tại cơ sở.

Để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình các nhóm, CLB, hằng năm, BCĐ công tác gia đình tỉnh tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn BCĐ cấp cơ sở tuyên truyền và triển khai sâu rộng về công tác gia đình tới mô hình các CLB. Đồng thời in, cấp phát hơn 1.000 tài liệu hướng dẫn hoạt động của các mô hình, CLB cho 200 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, một trong những nội dung được triển khai tại mô hình các CLB là tổ chức tuyên truyền hoạt động hưởng ứng nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Theo đó, hằng năm, các CLB đều tổ chức hoạt động nhân ngày này lồng ghép với nội dung phong phú, đa dạng như: giao lưu văn hóa, văn nghệ, diễn kịch tọa đàm, diễn đàn, hội thi, triển lãm tranh, ảnh, sách hoặc chiếu phim về chủ đề hạnh phúc…

Bên cạnh đó, hằng năm, BCĐ cấp tỉnh mở từ 3 đến 5 lớp tập huấn tuyên truyền lồng ghép về hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung hoạt động công tác gia đình cho hàng nghìn học viên là các trưởng thôn, khối phố và các chủ nhiệm mô hình nhóm, CLB gia đình hạnh phúc thuộc 11 huyện, thành phố. Đồng thời, BCĐ các cấp huy động thêm nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân để duy trì và phát triển các mô hình cả về chất và lượng, góp phần xây dựng GĐVH, nâng cao đời sống văn hóa khu dân cư.

Thông qua các nhóm, mô hình CLB, nhận thức của Nhân dân về xây dựng gia đình hạnh phúc, công tác phòng, chống BLGĐ được nâng lên. Nhờ đó, số lượng và chất lượng GĐVH trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên qua từng năm. Riêng năm 2020, toàn tỉnh có 158.249/195.833 hộ gia đình được công nhận GĐVH, đạt 80,8% (tăng 2,4 % so với năm 2019).

Năm 2021, nhằm tổ chức có hiệu quả các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, BCĐ công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở cùng các cấp, ngành, đoàn thể đã tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, các nhóm, CLB gia đình hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực như: giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… phù hợp với các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, BCĐ công tác gia đình tỉnh tiếp tục hướng dẫn cơ sở duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động mô hình các nhóm, CLB cũng như tăng cường phát huy vai trò và đẩy mạnh hoạt động gắn kết cộng đồng, gắn nhiệm vụ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững với công tác phòng, chống BLGĐ.

Hiện, toàn tỉnh có 152 mô hình; 775 CLB “Gia đình phát triển bền vững” thu hút trên 17.500 gia đình tham gia; 775 nhóm phòng chống BLGĐ có khoảng 20.000 thành viên; 306 CLB “Gia đình hạnh phúc” (tăng 80 CLB so với năm 2019) với hơn 7.600 thành viên. Hoạt động của các mô hình được duy trì đều đặn theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tế ở địa bàn.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ các nhóm, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc

– Những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm, câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc. Từ đó, góp phần lan tỏa, nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Ông Nông Ngọc Tăng, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh: “Phát huy vai trò của người cao tuổi trong định hướng, giáo dục con cháu xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Hiện toàn tỉnh có trên 82 nghìn người cao tuổi. Để người cao tuổi phát huy vai trò trong định hướng, giáo dục con cháu xây dựng gia đình hạnh phúc, hằng năm, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền đến các hội viên, đặc biệt khuyến khích con cháu tham gia các nhóm, CLB gia đình hạnh phúc. Đồng thời, duy trì hoạt động của gần 500 CLB văn nghệ, thể dục thể thao với trên 8.300 người cao tuổi tham gia thường xuyên. Các CLB văn nghệ và các đội thể thao thường xuyên hoạt động  góp phần nâng cao chất lượng công tác gia đình trên địa bàn tỉnh.

Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: “Chú trọng nhân rộng và phát triển các CLB xây dựng gia đình hạnh phúc trong các cấp hội”.

Hằng năm, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội triển khai sâu rộng, đồng bộ công tác tuyên truyền phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong đó, nhận thấy hiệu quả từ việc duy trì sinh hoạt các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp hội đã tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình hiệu quả như: “CLB gia đình hạnh phúc”; “CLB phòng chống bạo lực gia đình”; “CLB bình đẳng giới”; “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc phát triển trẻ thơ”…

Hiện nay, chúng tôi duy trì 226 CLB gia đình hạnh phúc, hơn 1.000 mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng. Từ các mô hình đã phát huy trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình; hạn chế tình trạng ly hôn, tảo hôn, mất cân bằng giới tính khi sinh, bạo lực gia đình. Nhờ đó, hằng năm, hầu như 100% hộ hội viên hội liên hiệp phụ nữ tham gia các CLB đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng: “Các nhóm, CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần thay đổi nếp nghĩ các gia đình theo hướng tiến bộ hơn”.

Việc thành lập các nhóm, CLB gia đình là rất cần thiết vì đây  là nơi tổ chức triển khai tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực gia đình. Thành viên các nhóm, CLB cũng là những tuyên truyền viên nòng cốt, vận động người dân nhanh và hiệu quả nhất. Hiện 15/24  xã, thị trấn của huyện đã xây dựng được mô hình CLB phòng chống BLGĐ và 75 CLB gia đình phát triển bền vững.

Thông qua hoạt động các nhóm, CLB đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, từng bước thay đổi nếp nghĩ, lối sống, cách làm của các gia đình theo hướng tiến bộ hơn. Qua đó, tỷ lệ GĐVH của huyện đều tăng qua từng năm. Năm 2020, tỷ lệ GĐVH huyện tăng 2% so với năm 2019.

NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI