Báo động tình trạng trẻ nghiện điện thoại

Tình trạng trẻ nghiện điện thoại hiện rất đáng báo động, không chỉ ở trẻ vị thành niên mà cả những bé trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Nhiều phụ huynh không ý thức được những tác hại của việc nghiện điện thoại nên cho trẻ sử dụng mà thiếu sự kiểm soát. Trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều dẫn đến hiện tượng “nghiện”, nếu không cho chơi, trẻ nhỏ sẽ mè nheo, ăn vạ, ở nhà thì không ăn cơm, không uống sữa. Với những trẻ lớn hơn, khi bị tước điện thoại, các em sẽ có những phản ứng quá khích, không kiềm chế được bản thân.

Các dấu hiệu đặc trưng của nghiện điện thoại là không thể dứt ra được khỏi suy nghĩ về những trò giải trí mà điện thoại mang lại, tận dụng mọi cơ hội để được sử dụng. Các em sẽ cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu hoặc dễ bị kích thích khi giảm thời gian, không được chơi, không được sử dụng điện thoại. Đối với trẻ nhỏ, xem điện thoại nhiều quá sẽ làm suy yếu khả năng ngôn ngữ và tương tác xã hội lành mạnh của trẻ; ngoài ra rất dễ bị ngộ độc về hình ảnh, hành xử giống nhân vật trong các trò chơi điện tử, trong phim ảnh. Đối với trẻ vị thành niên, việc nghiện điện thoại không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe như đau nửa đầu, về lưng, về mắt mà còn ảnh hưởng đến học tập và sự phát triển nhân cách của các em.

Giúp trẻ sử dụng điện thoại đúng cách
 Học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (Thanh Xuân, Hà Nội) sử dụng điện thoại bên ngoài trường học.  Ảnh: THÁI HƯNG.

 

Chị Nguyễn Hương ở Ba Đình (Hà Nội), có con trai học lớp 10 kể: “Để phục vụ cho việc đi lại và học tập của con, tôi đã mua điện thoại thông minh cho con dùng. Thế nhưng mấy tháng nay, tôi thấy tính tình, lịch sinh hoạt của con thay đổi hẳn. Con ít có nhu cầu trò chuyện với người thân, đi học về là ở trong phòng, đến giờ ăn gọi mãi mới xuống và lúc nào cũng cầm theo cái điện thoại, khi thì cắm tai nghe nghe nhạc vì bảo muốn thư giãn, học nhiều căng thẳng, lúc lại nhắn tin cho ai hoặc xem nốt bộ phim đang “hot”… Chị Trần Thanh Hà ở Hà Đông (Hà Nội) thì cho biết: “Bản thân tôi đã ngoài 40 tuổi mà vẫn còn nghiện điện thoại vì thế tôi rất sợ khi có điện thoại, con sẽ xao nhãng chuyện học hành nên không cho cháu dùng. Thế nhưng hằng ngày, tôi vẫn nghe cháu nói ở lớp giờ ai cũng có điện thoại, cô giáo còn lập riêng một nhóm Zalo của lớp để tiện trao đổi công việc”.

“Vẽ đường cho hươu chạy đúng”

“Tắt điện thoại đi”, “Tắt máy tính đi”… là câu mệnh lệnh vang lên trong nhiều gia đình hiện nay. Thế nhưng thực tế, nhiều phụ huynh cho biết không thể cấm con sử dụng điện thoại bởi nhiều trường hiện nay cho phép con mang điện thoại để phục vụ việc học tập. Mặt khác, các phương tiện giáo dục thông qua công nghệ ngày càng phát triển và điện thoại thông minh là một trợ thủ đắc lực. Thực tế, mỗi ngày có hơn 4.000 ứng dụng di động dành cho lĩnh vực giáo dục được viết ra, trong số đó khoảng 2/3 là miễn phí. Ngoài ra, điện thoại với các ứng dụng bây giờ có thể trở thành kính lúp, máy scan, màn hình trải nghiệm ảo…

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý cho rằng: “Sử dụng điện thoại có nguy cơ gây nghiện. Chúng ta đã dự báo được thì cần mạnh dạn thử nghiệm. Giống như việc giáo dục về giới tính và tình dục vậy. Không vẽ đường thì hươu vẫn chạy thôi. Giờ vẽ đường cho hươu chạy đúng”. Theo PGS, TS Trần Thành Nam, để trẻ sử dụng điện thoại phù hợp thì cần có những yêu cầu, mục đích, nội dung sử dụng rõ ràng kèm theo những quy định và nguyên tắc được báo trước cho tất cả các bên, kể cả phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, cần có hệ thống hỗ trợ quản lý, cảnh báo và ngăn chặn truy cập nếu thiết bị đang sử dụng sai mục đích, ứng dụng chuyên dụng được cài đặt trên điện thoại dành cho học sinh. Đồng thời, mỗi giáo viên phải là người truyền cảm hứng sử dụng công nghệ, trở thành người sưu tầm các ứng dụng dạy học được cập nhật và cũng phải tự nâng cấp các kỹ năng sử dụng ứng dụng quản lý việc này. Mỗi nhà trường và ngành giáo dục cần đưa các chương trình giáo dục mạng an toàn và năng lực công dân số vào nội dung dạy học.

Cùng với đó, các bậc phụ huynh cần tự trang bị kiến thức và kỹ năng để bảo vệ con em mình khỏi các nguy cơ trực tuyến; trao đổi với trẻ để đưa ra các nguyên tắc về sử dụng internet và điện thoại di động; hướng dẫn con cách giao tiếp an toàn trên không gian mạng, cách báo cáo sự việc với người lớn, cha mẹ, thầy cô khi gặp rắc rối trên mạng; khuyến khích con áp dụng các giá trị sống tích cực như tôn trọng, thấu cảm trong giao tiếp trên mạng; hướng dẫn con giải quyết vấn đề, xung đột trực tiếp, không sử dụng công nghệ. Cha mẹ cũng cần theo dõi các dấu hiệu bất thường của con, như: Thu mình, cảm xúc thay đổi đột ngột, những suy nghĩ ám ảnh lặp lại có liên quan đến hoạt động trên mạng để kịp thời can thiệp.

Công nghệ không gây hại khi có sự sát sao của cha mẹ, thầy cô. Hãy giúp con sử dụng điện thoại đúng cách, trở thành công cụ phục vụ cho các mục đích học tập và sáng tạo của trẻ, thay vì ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của con.