Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả từ một đề án

– Trẻ em luôn cần sự quan tâm chăm sóc từ cộng đồng xã hội, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK). Do vậy, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực, triển khai hiệu quả mô hình gia đình nhận nuôi trẻ em có HCĐBKK có thời hạn.

Trên cơ sở thực hiện Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân  chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 – 2020” (gọi tắt là Đề án 647) của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án và giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) triển khai thí điểm mô hình gia đình nhận nuôi trẻ em có HCĐBKK có thời hạn trên địa bàn các huyện nhằm mục đích trợ giúp trẻ em có HCĐBKK ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có HCĐBKK với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH trao tiền hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia mô hình tại huyện Tràng Định

Thực hiện đề án, từ năm 2014, Sở LĐTB&XH triển khai thí điểm mô hình tại 4 huyện: Đình Lập, Hữu Lũng, Bình Gia và Tràng Định. Mức hỗ trợ cho các gia đình nhận nuôi trẻ từ 405.000 đồng đến 675.000 đồng/gia đình/tháng; hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng trẻ có HCĐBKK từ 405.000 đồng đến 675.000 đồng/trẻ/tháng. Ngoài ra, các mô hình còn hỗ trợ 1 lần tiền mua sắm đồ dùng cho trẻ là 700.000 đồng/trẻ/năm. Với mức hỗ trợ trên, tổng kinh phí thực hiện mô hình là trên 680 triệu đồng. Qua đó, đã có 70 trẻ em và 69 gia đình được thụ hưởng từ mô hình.

Gia đình em Lương Việt Cường (thôn Bản Mới, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định) là một trong số các gia đình đã được hỗ trợ. Được biết năm 2010, bố em qua đời vì tai nạn giao thông, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ của em là chị Lã Thị Phượng một mình nuôi 4 con nhỏ, trong đó có 2 em khuyết tật đặc biệt nặng (khuyết tật vận động, nói, trí tuệ). Trước hoàn cảnh đó, Phòng LĐTBXH – Dân tộc huyện đã đưa em vào danh sách được nhận hỗ trợ từ mô hình, hỗ trợ em Cường 675.000 đồng/tháng, hỗ trợ chị Phượng (người chăm sóc em Cường) 675.000 đồng/tháng. Chị Lã Thị Phượng xúc động cho biết: Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành và nhờ khoản tiền được hỗ trợ từ mô hình, cuộc sống của mẹ con tôi đã bớt khó khăn, chúng tôi có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Để mô hình thực hiện hiệu quả, hằng năm, Sở LĐTB&XH đều phối hợp tuyên truyền về đề án và các nội dung khác có liên quan bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền bằng xe lưu động, phát tờ rơi, treo băng zôn, qua các cuộc họp thôn… Từ năm 2014 nay, sở đã cấp phát trên 45.800 tờ rơi, tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn với gần 1.000 người tham dự tìm hiểu về nội dung này. Do mô hình được thực hiện có thời hạn nên tại địa bàn các huyện triển khai mô hình, các gia đình được hỗ trợ đều mong muốn đề án tăng thời gian hỗ trợ các gia đình, đối tượng để họ có thể ổn định hơn trong cuộc sống. Ông Lâm Đức Hùng, Trưởng Phòng LĐTBXH – Dân tộc huyện Bình Gia cho biết: Năm 2019, toàn huyện có 20 gia đình và 20 trẻ em được nhận hỗ trợ từ Đề án 647. Do mô hình chỉ được thực hiện trong 1 năm nên các gia đình mong muốn mô hình được tiếp tục triển khai, giúp các gia đình thêm nguồn lực nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp các em ổn định tâm lý và sức khỏe để phát triển, vươn lên trong cuộc sống.

Thời gian tới, Sở LĐTB&XH tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền nhân rộng mô hình trong giai đoạn 2021 – 2030, theo đó, phấn đấu xây dựng ở mỗi huyện 1 mô hình.

“Việc triển khai thí điểm mô hình gia đình nhận nuôi trẻ em có HCĐBKK có thời hạn trên địa bàn các huyện luôn được sở và các cấp, ngành liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đặc biệt là việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng. Sau một thời gian thực hiện thí điểm cho thấy, mô hình đã góp phần giúp cho trẻ em có HCĐBKK giảm bớt nỗi đau, nỗi bất hạnh, đồng thời, tạo cơ hội cho các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống”.Ông Lô Tiến Vinh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội – Trẻ em, Sở LĐTB&XH
TIỂU YẾN