Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

– Thời gian qua, nhiều nạn nhân trong các vụ mua bán người (MBN) qua biên giới đã được cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn giải cứu, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số ở ngoài tỉnh. Để các nạn nhân vượt qua khủng hoảng, sớm hòa nhập cộng đồng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, giai đoạn 2016 – 2020, ngành đã tiếp nhận và hỗ trợ 80 nạn nhân bị mua bán, trong đó, riêng năm 2020 là 18 trường hợp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sở phối hợp với Công an tỉnh tiếp nhận 2 nạn nhân bị mua bán là trẻ em. Số nạn nhân trên đều là người ngoài tỉnh, sau khi tiếp nhận đã được đưa vào Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp (BTXHTH) tỉnh và bố trí chỗ ăn, nghỉ, bảo vệ, quản lý, kiểm tra sức khoẻ và chữa bệnh ban đầu; trẻ em thì được bố trí người chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, Cơ sở BTXHTH tỉnh còn tiếp nhận và hỗ trợ gần 1.000 trường hợp là công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bị trao trả do các lực lượng chức năng tỉnh chuyển đến.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống mua bán người tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở hỗ trợ nạn nhân chuyên biệt mà sử dụng Cơ sở BTXHTH tỉnh vừa là cơ sở tiếp nhận ban đầu, vừa là cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Tại đây, nạn nhân được hưởng những hỗ trợ ban đầu như: ăn uống, chỗ ngủ, quần áo, đồ dùng cá nhân.

Cùng với công tác hỗ trợ bước đầu, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, các tổ chức xã hội về xác minh, xác định, tiếp nhận, trao trả và bảo vệ nạn nhân thời gian qua được các cơ quan liên quan, chính quyền cấp cơ sở quan tâm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ khâu nhận tin báo, xác minh, giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Chị V.T.Y (sinh năm 1986, quê ở Vĩnh Long) chia sẻ: Năm 2018, nghe lời chị cùng quê rủ đi làm ở Trung Quốc lương cao nên tôi đã theo chị sang đó làm nhưng lại bị bán vào tụ điểm giải trí bar – cà phê – karaoke. May mắn đầu năm 2020, tôi được các lực lượng chức năng giải cứu tôi mới có ngày trở về quê hương. Khi được Cơ sở BTXHTH tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận, tôi đã được hỗ trợ những điều kiện thiết yếu, được quan tâm để ổn định về tâm lý và hỗ trợ chi phí đi lại để về với gia đình.

Đoàn viên thanh niên xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình tìm hiểu tờ rơi tuyên truyền về phòng chống mua bán người.  Ảnh: DƯƠNG DUYÊN

Để thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, giai đoạn 2016 – 2020, Sở LĐTB&XH được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh phân bổ 230 triệu đồng và năm 2021 được phân bổ 46 triệu đồng để thực hiện Đề án 3 “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Với vai trò chủ trì Đề án 3, Sở LĐTB&XH xây dựng kế hoạch và nỗ lực tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong giai đoạn 2016 – 2020 và năm 2021; chủ động xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, sở đã tập trung tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm MBN; rà soát, thống kê, quản lý, hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nạn nhân; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ các cấp; hướng dẫn Cơ sở BTXHTH, phòng LĐTB&XH – dân tộc cấp huyện thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân; đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác với các ngành chức năng trong hỗ trợ nạn nhân, cung cấp các dịch vụ phù hợp hỗ trợ nạn nhân, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống MBN trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống MBN thì công tác tuyên truyền cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thường xuyên và triển khai sâu rộng. Cùng với đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, Sở LĐTB&XH đề nghị  Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh phân bổ thêm kinh phí để ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội như: dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo… Đồng thời, xây dựng, nâng cấp hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại Cơ sở BTXHTH tỉnh và tại cộng đồng, qua đó nhằm tạo điều kiện tốt nhất để nạn nhân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp sẵn có, sớm hoà nhập cộng đồng

THANH HUYỀN