SOSmap là ứng dụng nằm trong khuôn khổ Chương trình “Yêu thương mùa Covid” do nhóm công nghệ XTEK phối hợp với Viện Khoa học Phát triển nông nghiệp nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ Cục Ngoại tuyến (Bộ Công an) nhằm mục đích kết nối để sẻ chia khó khăn với những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những người cần giúp đỡ có thể truy cập website SOSmap.net hoặc gọi tới tổng đài 19006448 để được cung cấp chi tiết các thông tin cần hỗ trợ. Thông tin của họ sẽ được xác minh và hiển thị trên “bản đồ cứu trợ” với biểu tượng dấu đỏ kèm theo tên, địa chỉ, số điện thoại, mô tả hoàn cảnh để những người hỗ trợ có thể tiếp cận. Khi việc hỗ trợ hoàn thành, ứng dụng sẽ cập nhật trạng thái “đã hỗ trợ” để các cá nhân, các nhóm thiện nguyện khác dễ dàng nhận biết.

SOSmap - “bản đồ cứu trợ” trong dịch Covid-19
 Người dân nhận đồ cứu trợ từ tình nguyện viên tại một điểm trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: LÊ CAN 

 

Ông Lê Tuấn Can, Phó viện trưởng Thường trực Viện Khoa học Phát triển nông nghiệp nông thôn, người đồng sáng lập SOSmap cho biết: “Các đoàn cứu trợ thường mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến địa bàn mà không có thông tin của đồng bào khó khăn, vì vậy xảy ra nhiều bất cập, như: Hàng cứu trợ không phù hợp nhu cầu người dân đang cần; nơi thì được cứu trợ quá nhiều, nơi thì không có dẫn đến lãng phí… Việc đi cứu trợ hoàn toàn dựa trên cảm tính như vậy ở những địa bàn có thiên tai, dịch bệnh cũng dễ dẫn đến những nguy hiểm khó lường cho chính các tổ chức, cá nhân thực hiện cứu trợ”.

SOSmap sẽ giúp giải quyết những bất cập của hoạt động cứu trợ. Người gặp khó khăn có thể dễ dàng mô tả được chính xác vị trí và nhu cầu của mình. Nhờ đó, các nhà hảo tâm, nhà tài trợ cũng thuận tiện trong việc đóng góp, ủng hộ nguồn lực mà mình đang có và đúng nhu cầu của người cần giúp đỡ.

Một trong những tính năng vượt trội của SOSmap chính là việc chia sẻ thông tin để tất cả mọi người dân, tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm có thể tham gia quá trình cứu trợ. Sau thời gian chạy thử, SOSmap đã bổ sung tính năng “Giúp đỡ người khó khăn xung quanh bạn” nhằm tận dụng mọi nguồn lực, hỗ trợ nhanh chóng những hoàn cảnh khó khăn ở khoảng cách gần.

Ông Lê Tuấn Can chia sẻ: “Hiện nhóm mong muốn được kết nối với các tổ chức đoàn, hội chữ thập đỏ… bởi số lượng người cần cứu trợ quá lớn. Việc di chuyển của các tình nguyện viên hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, trong khi hoạt động cứu trợ lại rất cấp bách không chỉ vì thời hạn bảo quản của một số thực phẩm, nhu yếu phẩm mà còn vì sự khó khăn, thiếu thốn của đồng bào tại các tâm dịch”. Tính đến ngày 5-8, số lượng người đăng ký cần hỗ trợ lên tới hơn 8.000 điểm, mỗi điểm từ 3 đến 20 người, áp lực cho đội ngũ điều hành SOSmap hiện tại là rất lớn. Trong khi đó, số lượng tình nguyện viên của SOSmap hiện chỉ khoảng 200 người.

Việc số hóa các nguồn dữ liệu theo cách thức hoạt động hiện tại của SOSmap sẽ không chỉ bảo đảm tính khách quan, minh bạch mà còn là điều kiện để Ban tổ chức Chương trình “Yêu thương mùa Covid” tiến hành các hoạt động điều phối, kêu gọi sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội, sự phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhằm bảo đảm sự cứu trợ kịp thời, an toàn và hiệu quả.