Thay đổi nhận thức của đồng bào

Trở lại làng Tung, xã Ia Nan (Đức Cơ, Gia Lai), chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay với những nếp nhà mới khang trang hơn, một màu no ấm phủ khắp bản làng. Gần chục năm trước, cuộc sống của đồng bào Gia Rai nơi đây còn nhiều thiếu thốn, số hộ đủ ăn chỉ rất khiêm tốn. Thấy bà con quẩn quanh với cái nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Bộ đội Biên phòng trên địa bàn đã gần gũi, động viên, tuyên truyền vận động và hướng dẫn người dân cách vay vốn ưu đãi để phát triển nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Từ nguồn vốn vay và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều gia đình trồng các loại cây như cà phê, cao su, hồ tiêu, lúa nước; hộ ít cũng có 3-4ha, nhà nhiều thì hàng chục héc-ta, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm. Theo già làng Kso Thi, nhờ vốn TDCS nên nhiều hộ dân làng Tung đã thoát nghèo, có khá nhiều nông dân trở thành triệu phú. Bà con không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ “cho không” của Nhà nước.

Tại xã Ia HLa (Chư Pưh, Gia Lai), 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi từ nguồn TDCS. Gần 30 tỷ đồng vốn từ NHCSXH đã giúp hầu hết hộ dân thoát nghèo. Hàng trăm gia đình người Ba Na nơi đây đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững
 Bà con dân tộc Mông ở bản Nậm Lộng, xã Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La) thu hoạch quả sơn tra (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: QUANG QUYẾT.

Với đặc thù người DTTS chiếm 50% dân số, huyện Văn Yên (Yên Bái) kiến nghị với NHCSXH tỉnh và chỉ đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tập trung vào chương trình cho  đồng bào DTTS vay vốn. Để giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay thuận lợi, NHCSXH còn phục vụ khách hàng tại điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã. Tính đến hết năm 2020, hộ đồng bào DTTS đang được vay vốn từ chương trình TDCS là gần 7.900 hộ, dư nợ bình quân khoảng 34 triệu đồng/hộ. Bà Lã Thị Liền, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên chia sẻ: “Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng, nhiều địa phương ra khỏi Chương trình 135 của Chính phủ; tuy nhiên, vốn chính sách vẫn là nguồn lực quan trọng giúp người dân vươn lên trong cuộc sống”.

Người dân xã Bù Gia Mập (Bù Gia Mập, Bình Phước) vẫn nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Vi Văn Định gần 6 năm về trước, để nêu gương cho người trẻ về tinh thần mạnh dạn, chủ động tiếp cận nguồn vốn TDCS, vươn lên thoát nghèo. Anh Định bộc bạch: “Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng (năm 2017), rồi đến 70 triệu đồng (năm 2019), tôi đầu tư trồng điều, nuôi bò, gà, dê…, dần mở rộng quy mô nuôi trồng. Đến nay, cuộc sống gia đình đã khá hơn nhiều”. Gia đình anh là một trong số hàng nghìn hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có cuộc sống đổi thay từ nguồn vốn TDCS. Riêng trong năm qua, hàng trăm hộ đồng bào DTTS trong huyện thoát nghèo từ nguồn vốn trên.

Theo lãnh đạo NHCSXH, tính đến hết năm 2020, có hơn 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS thụ hưởng các chương trình tín dụng, với doanh số vay là 162.519 tỷ đồng. Thời gian qua, vốn TDCS đã góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, trong đó hơn 2 triệu hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 165.000 lao động; giúp 211.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 216.000 nhà ở… Kết quả quan trọng là vốn TDCS đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS. Từ mặc cảm, tự ti, nay bà con mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả, dần nâng cao chất lượng cuộc sống và trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.

Tăng nguồn lực, mở rộng đối tượng thụ hưởng

Đánh giá kết quả triển khai TDCS đối với đồng bào DTTS vừa qua, nhiều ý kiến nêu lên những khó khăn, hạn chế, như: Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm khá cao so với số hộ nghèo trong cả nước, vì vậy, việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình đôi khi còn chưa kịp thời, chưa bảo đảm nguồn vốn theo kế hoạch được duyệt; thời gian thực hiện chính sách còn ngắn, việc xử lý chuyển tiếp chậm nên hiệu quả chương trình có lúc chưa cao; tại một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động TDCS, nhất là đối với đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, cơ chế thực hiện thiếu sự khuyến khích đối với địa phương thực hiện tốt chính sách; chưa có cơ chế đặc thù phù hợp với đặc điểm vùng DTTS và miền núi; việc cấp phát vốn ở một số nơi còn chậm, không đồng bộ đối với một số chính sách nên ảnh hưởng nhiều đến kết quả thực hiện; nhiều người dân không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mức vay chưa cao, thậm chí có hộ chưa mạnh dạn vay vốn…

Điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững
 Đồng bào dân tộc Dao ở xã Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang) thu hoạch lê (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: VŨ QUANG ĐÁN.

Đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện chương trình, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, cần xác định rõ những đối tượng ưu tiên đầu tư tín dụng với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, như: Tạo điều kiện để đồng bào DTTS mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến sản xuất quy mô lớn, phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo lãnh đạo NHCSXH các địa phương, cần tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS mạnh dạn vay vốn đầu tư; bám nắm, sâu sát, hướng dẫn bà con xây dựng lộ trình, phương án phát triển sản xuất cũng như khắc phục rủi ro nếu có. Nhiều ý kiến đề xuất NHCSXH gắn chính sách tín dụng với việc tính toán, cân đối các nguồn lực để thực hiện; nghiên cứu giảm lãi suất vay cho phù hợp; tối giản các thủ tục để nguồn vốn đến với người vay nhanh nhất…

Để nâng cao hiệu quả TDCS đối với đồng bào DTTS thời gian tới, Ủy ban Dân tộc cùng các bộ, ngành liên quan và NHCSXH thống nhất tập trung vào việc rà soát đối tượng thụ hưởng với chủ trương đổi mới và mở rộng TDCS theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị đồng bộ, phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng miền. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy người dân làm ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao trên thị trường, góp phần tạo sinh kế, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, thực hiện đúng mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng cũng như tinh thần tự lực của đồng bào DTTS.