Thứ sáu,  20/09/2024

Sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ “đặc biệt”

– Với những người phụ nữ bình thường, việc làm tròn vai trò người vợ, người mẹ vốn dĩ đã rất vất vả thì với những người phụ nữ là vợ, mẹ nạn nhân nhiễm chất độc da cam (CĐDC), nỗi lo toan ấy càng khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, bằng lòng thương yêu và đức hy sinh cao cả, những người phụ nữ ấy luôn kiên cường trở thành điểm tựa cho những người chồng, người con “đặc biệt” của mình.

Theo sự giới thiệu từ Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thành phố, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với bà Vi Thị Bích Ngọc (sinh năm 1955) khối 5, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn – một trong số những người vợ có chồng là nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh.

Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, bà Ngọc vừa bóp tay, bóp chân cho chồng và cho biết: Chồng tôi là ông Nguyễn Ngọc Đức, sinh năm 1944, từng tham gia chiến trường Mặt trận Trị Thiên Huế và không may bị nhiễm CĐDC nên sức khỏe yếu và không thể có con. Bản thân tôi vốn dĩ sức khỏe cũng ốm yếu nhưng luôn cố gắng chăm sóc chồng thật tốt.

Bà Lê Thị Thu (thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) bên người con trai bị thiểu năng do ảnh hưởng bởi CĐDC

Trong hơn 16 năm làm vợ ông Đức đến nay, không thể nói hết nỗi vất vả, buồn đau của bà khi chứng kiến cảnh chồng mình luôn đau yếu, nhất là mỗi khi trái gió trở trời, ông bị huyết áp cao, đau nhức cơ thể. Mỗi ngày thức dậy, bà lại động viên chồng cùng cố gắng để tiếp thêm động lực, dựa vào nhau để sống vui mỗi ngày.

Cũng như bà Ngọc, bà Hà Thị Vẹt, sinh năm 1952 (thôn Khòn Cháo, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình) cũng là vợ, là mẹ của nạn nhân CĐDC. Gia đình bà có 3 nạn nhân CĐDC là chồng và 2 người con trai. Con trai thứ hai của bà sinh năm 1987 đã mất năm 1990, chồng bà bị nhiễm CĐDC nên sức khỏe yếu và mất năm 2007. Nén nỗi đau lần lượt mất con, mất chồng, bà vừa cố gắng hoàn thành tốt công việc của một người giáo viên vừa bố trí thời gian chăm sóc con trai út sinh năm 1992 bị ảnh hưởng sức khỏe đến 82% trong tình trạng dị tật nặng, chân tay teo cơ, đi lại khó khăn…

Lau vội những giọt nước mắt đang rơi, bà Vẹt cho biết: Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc các con của tôi rất vất vả bởi 2 đứa con bị dị tật nặng, không thể tự chăm sóc bản thân từ những việc đơn giản như: ăn, uống, vệ sinh… lại đau ốm thường xuyên. Đến bây giờ, dù con trai út đã 29 tuổi nhưng tôi vẫn phải chăm sóc như 1 đứa trẻ. Tôi chỉ lo sau này tôi già yếu, qua đời thì không biết ai sẽ chăm sóc con tôi hằng ngày.

Bà Ngọc, bà Vẹt chỉ là 2 trong số hàng trăm người vợ, người mẹ đang hằng ngày gồng mình chăm sóc chồng, con bị ảnh hưởng bởi CĐDC trên địa bàn tỉnh. Được biết, hiện toàn tỉnh có trên 400 người vợ, người mẹ có chồng, con là nạn nhân CĐDC. Trong chiến tranh, những người phụ nữ ấy đã tiễn chồng lên đường ra trận, là hậu phương vững chắc cho những người lính nơi chiến trường. Để rồi khi họ trở về, mang trong mình di chứng chiến tranh, bị phơi nhiễm CĐDC, lại chính những người phụ nữ ấy âm thầm chăm sóc những người chồng, người con là nạn nhân CĐDC. Những người phụ nữ đó mỗi người có một cuộc sống riêng nhưng tựu chung lại ở họ là đức hy sinh cao cả. Họ dành hết sức lực, tình thương để âm thầm chăm sóc chồng, con mà không một lời ca thán.

Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết: Để tri ân sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ có chồng, con bị ảnh hưởng CĐDC, hằng năm, nhân dịp Ngày Thảm họa da cam (10/8), hội đều tổ chức gặp mặt để thăm hỏi, tặng quà nạn nhân CĐDC và những người vợ, người mẹ đó. Từ năm 2016 đến nay, hội đã trực tiếp biểu dương, khen thưởng và tham mưu cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng bằng khen cho những người phụ nữ có thành tích chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC… Đến nay, đã có hơn 200 người vợ, người mẹ được tặng bằng khen vì đã tận tâm chăm sóc, nuôi dưỡng chồng, con là nạn nhân CĐDC.

Có thể thấy, những người vợ, người mẹ vĩ đại ấy luôn kiên cường trở thành điểm tựa cho những người chồng, người con “đặc biệt” của mình vươn lên trong cuộc sống và họ thực sự là những tấm gương trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam. Họ rất cần sự hỗ trợ, quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng để tiếp thêm động lực, niềm tin cuộc sống, là chỗ dựa tin cậy để những nạn nhân tiếp tục vượt qua nỗi đau da cam

LƯƠNG THẢO